1. Khoa Kế toán
1.1 Giới thiệu chung về khoa
- Tên khoa: Khoa Kế toán
- Lịch sử phát triển của khoa:
Tiền thân từ một Tổ bộ môn Kế toán của Khoa Thống Kế Tài Trường Đại học Kinh tế được thành lập năm 1989, do nhu cầu về phát triển quy mô đào tạo, năm 1994 Tổ bộ môn được tách ra và trở thành Khoa Kế toán.
Khoa Kế toán được thành lập xuất phát từ yêu cầu thực tế của xã hội. Trải qua 42 năm đào tạo ngành kế toán, sinh viên của khoa ra trường đang công tác khắp mọi miền của đất nước, nhiều sinh viên đã trở thành các nhà quản lý tài năng, các cán bộ chủ chốt của các cơ quan quản lý Nhà nước ở khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Khoa có nhiệm vụ quản lý và đào tạo hệ Đại học, Cao học và NCS chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán; Nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Số cán bộ công chức: 42 người; trong đó, số cán bộ tham gia làm công tác quản lý ở Ban giám hiệu và các phòng ban là 5 đồng chí; 1 GS, 07 PGS, 09 giảng viên chính, 16 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 10 cán bộ đang làm NCS; 01 cử nhân.
Khoa rất chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ, coi đây là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng sự nghiệp giáo dục trong tinh hình mới. Đội ngũ giảng viên của khoa hầu hết được học tập các chương trình đào tạo Th.S, NCS tại các quốc gia: Anh, Úc, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Nhật Bản, …
- Ngành đào tạo: Ngành Kế toán và ngành Kiểm toán
- Liên kết đào tạo: Khu vực miền Trung và Tây nguyên.
1.2 Thông tin về từng ngành
1.2.1 Ngành Kế toán
- Thời lượng đào tạo: Thiết kế chương trình đào tạo là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Chương trình cử nhân kế toán được đào tạo tại Trường trong thời hạn 4 năm. Mục tiêu của chương trình là đào tạo cử nhân chuyên ngành kế toán có năng lực chuyên môn cao; có khả năng ứng dụng và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong thực tiễn; có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế; có thái độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.
- Cơ hội việc làm:
+ Làm việc có tính chuyên nghiệp cao trong các doanh nghiệp, đơn vị hành chính-sự nghiệp, các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán và ngân hàng;
+ Làm việc tốt ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
1.2.2 Ngành Kiểm toán
- Thời lượng đào tạo: Thiết kế chương trình đào tạo là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dai thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Chương trình cử nhân kiểm toán được đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng có tính hội nhập quốc tế cao. Mục tiêu của chương trình là đào tạo cử nhân chuyên ngành kiểm toán có năng lực chuyên môn cao; có khả năng ứng dụng và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong thực tiễn; có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế; có thái độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.
-Cơ hội việc làm: sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo Cử nhân ngành Kiểm toán, sinh viên có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như làm kế toán hoặc kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp (kể cả ngân hàng); làm kiểm toán tại các công ty kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước; tư vấn thuế, kế toán, tài chính tại các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các công ty kiểm toán lớn trên thế giới thuộc nhóm Big4.
* Email của khoa:khoaketoan@googlegroups.com
2. Khoa Quản trị kinh doanh
2.1 Giới thiệu chung về khoa
- Tên khoa: Khoa Quản trị Kinh doanh
- Lịch sử phát triển khoa Quản trị Kinh doanh:
Được thành lập từ năm 1992, Khoa Quản trị Kinh doanh (DBA), Trường Đại học Kinh tế (DUE), Đại học Đà Nẵng (UDN) là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh của Khoa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế theo hệ thống AUN QA vào năm 2019.
Trên cơ sở triết lý giáo dục của Nhà trường, DBA lựa chọn “Học đi đôi với hành” làm kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học. Học được hiểu là học tập suốt đời, là quá trình tiếp thu cái mới dưới mọi hình thức, tại mọi thời điểm. Hành được hiểu là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống, hình thành các kỹ năng cho nghề nghiệp và cuộc sống. Định hướng dạy và học này được thấm nhuần trong thầy và trò, trở thành “tinh thần DBA”, tinh thần năng động, sáng tạo là nền tảng cho sự thành công trong kinh doanh và quản lý.
DBA cũng tự hào là đơn vị tiên phong trong việc kết nối doanh nghiệp, cựu sinh viên vào đào tạo và NCKH. Từ những năm 2008, DBA đã không ngừng triển khai các worshop với doanh nghiệp, các hoạt động tham quan doanh nghiệp. DBA đã cải cách thực tập tốt nghiệp từ phương thức truyền thống sang phương thức mới tiếp cận với chuẩn mực của Mỹ với mục tiêu gia tăng trải nghiệm cho người học.
Đội ngũ giảng viên của khoa giỏi về chuyên môn, có tinh thần sáng tạo và đam mê đối với nghiên cứu, tận tụy và tâm huyết đối với sinh viên. Hiện nay DBA có 27 giảng viên trong dó có 02 GS.TS, 03 PGS.TS, 09 TS, 3 NCS và 10 thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên của DBA được đào tạo trong nhiều môi trường giáo giáo dục khác nhau từ Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Anh, Úc, Nga, Đài Loan, Việt Nam… Điều này tạo nên sự đa dạng về định hướng nghiên cứu, giảng dạy cũng như khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. DBA tự hào trong đội ngũ của mình đã có 2 GS.TS và tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ đạt trên 50%.
Qua 27 năm hình thành và phát triển, DBA đã đào tạo hơn 5000 cử nhân QTKD, hơn 1000 Thạc sỹ và 10 Tiến sỹ. Đội ngũ cựu sinh viên của chúng tôi đã và đang nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo từ cấp trung tới cấp cao thuộc nhiều loại hình tổ chức, nhiều lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi tự hào về cựu sinh viên của mình. Sự thành đạt của cựu sinh viên, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là động lực giúp chúng tôi vươn tới những tầm cao mới.
2.2 Thông tin về từng ngành
Khoa quản trị kinh doanh đang đào tạo các chuyên ngành: quản trị kinh doanh tổng quát, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị nguồn nhân lực.
Với những nỗ lực cải tiến không ngừng, năm 2019 chương trình đào tạo của Khoa đã đạt chuẩn chất lượng quốc tế theo hệ thống tiêu chuẩn AUN QA. Điều này đã mở ra một giai đoạn mới trong hội nhập đào tạo quốc tế của Khoa.
2.2.1 Ngành Quản trị kinh doanh
Ngành Quản trị kinh doanh đào tạo 02 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng quát và Quản trị chuỗi cung ứng.
2.2.1.1 Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng quát
- Thời lượng đào tạo: 04 năm
- Tổng số tín chỉ: 120
- Chuẩn đầu ra tiếng Anh: 4.5 điểm Ielf vhoặc tương đương.
- Mục tiêu đào tạo: sau 3 đến 5 năm ra trường, sinh viên Quản trị kinh doanh tổng quát có khả năng:
+ Trở thành chuyên viên ở nhiều bộ phận chức năng khác nhau trong các tổ chức và thích ứng được với sự đa dạng của các lĩnh vực hoạt động.
+ Đủ năng lực đảm nhận được các vị trí trưởng/phó các phòng chức năng trong tổ chức, các CEO của doanh nghiệp nhỏ.
+ Có thể trở thành nhà khởi nghiệp, chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
-Cơ hội nghề nghiệp
+ Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân quản trị kinh doanh tổng quát có thể làm việc ở trong các tổ chức kinh doanh ở mọi thành phần kinh tế, các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi lợi nhuận với các nhóm vị trí có thể đảm nhận:
+ Chuyên viên kinh doanh: Nhân viên kinh doanh, Trưởng cửa hàng bán lẻ, Giám đốc bán hàng vùng/khu vực.
+ Chuyên viên phân tích và tư vấn quản trị kinh doanh: Trợ lý phân tích và tổng hợp báo cáo về môi trường kinh doanh, tài chính, lập kế hoạch sản xuất, nhân sự, sản xuất, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh
+ Nhà quản trị cấp tác nghiệp ở các bộ phận chức năng khác nhau: Giám sát sản xuất; Quản đốc phân xưởng nhỏ; quản trị viên các phòng marketing, nhân sự, vật tư, chất lượng.
+ Nhà quản trị tổng quát: Giám đốc nhà máy; Giám đốc điều hành chi nhánh/khu vực, Giám đốc/Tổng giám đốc doanh nghiệp, tổ chức/tập đoàn.
+ Tự thành lập làm chủ doanh nghiệp và điều hành công ty
2.2.1.2 Chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng
- Thời lượng đào tạo: 04 năm
- Tổng số tín chỉ: 120
- Chuẩn đầu ra tiếng Anh: 4.5 điểm Ielf hoặc tương đương.
- Mục tiêu đào tạo:
- Đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh, chuyên ngành quản trị chuỗi cung ứng có năng lựcvề chuyên môn về quản trị kinh doanh, và chuyên sâu vào chức năng quản lý chuỗi cung ứng.
- Cơ hội nghề nghiệp:Cử nhân Quản trị kinh doanh, chuyên ngành quản trị chuỗi cung ứng có cơ hội việc làm ở mọi loại hình doanh nghiệp, thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh, mọi quy mô, đặc biệt là tại những tập đoàn đa quốc gia, trong những tổng công ty lớn nơi có mạng lưới kinh doanh phức tạp.
2.2.2 Ngành Quản trị nguồn nhân lực
- Thời lượng đào tạo: 04 năm
- Tổng số tín chỉ: 120
- Chuẩn đầu ra tiếng Anh: 4.5 IELTS hoặc tương đương.
- Mục tiêu đào tạo: đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực nắm vững kiến thức chung về quản trị nguồn nhân lực, thấu hiểu con người và tổ chức, có khả năng phát hiện các vấn đề của nguồn nhân lực trong tổ chức và có khả năng thiết kế và triển khai thực hiện các chức năng quản trị nguồn nhân lực là đảm bảo, duy trì và phát triển nguồn nhân lực một cách độc lập, có hiệu quả góp phần thực thi chiến lược và tạo lợi thế cạnh tranh thông qua nguồn nhân lực cho tổ chức; có phẩm chất tốt, có ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; có kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giao tiếp kinh doanh nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và khả năng cần thiết cho mục tiêu hội nhập khu vực và học tập suốt đời.
- Cơ hội nghề nghiệp: sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm công việc chuyên viên Quản trị nguồn nhân lực, chuyên viên tuyển dụng, đào tạo, đánh giá thành tích, tiền lương, bảo hiểm xã hội trong các công ty, các tổ chức chính quyền và xã hội; chuyên viên tư vấn nghề nghiệp trong các tổ chức dịch vụ việc làm, quản lý lao động, tư vấn nghề nghiệp; nghiên cứu viên các cơ sở nghiên cứu về nguồn nhân lực;
3. Khoa Marketing
3.1. Giới thiệu chung về Khoa
Ngành đào tạo Marketing được thành lập vào năm 2001, tiền thân là chuyên ngành Marketing của Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị tiên phong của Việt Nam đào tạo quản trị kinh doanh kể từ năm 1992.
Năm 2014, đánh dấu một bước trưởng thành và phát triển vượt bậc, Khoa Marketing được chính thức thành lập , thu hút hàng trăm lượt sinh viên đăng ký nhập học.
Dù mới thành lập, Khoa đã có một đội ngũ giảng viên trình độ cao, bao gồm 17 giảng viên, 100% được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Marketing tại các nước phát triển, trong đó có 2 Phó giáo sư, 4 Tiến sĩ, 5 NCS tiến sĩ, 6 Thạc sĩ và 1 NCS Thạc Sĩ. Hơn thế nữa, giảng viên của Khoa đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học và thạc sĩ trong nước và nước ngoài, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp.
Hiện tại, Khoa đang thực hiện hai chương trình đào tạo cử nhân: Quản trị Marketing và Truyền thông Marketing. Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa Marketing sẽ đưa vào giảng dạy chương trình Cao học Marketing (nghiên cứu và ứng dụng). Khoa Marketing chúng tôi không chỉ mở rộng, đa dạng hóa ngành học và hệ đào tạo mới, mà còn luôn chú trọng xây dựng và duy trì chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng tôi nhận thức một cách sâu sắc về vai trò căn bản của giáo dục đại học: đó chính là "nền tảng để sáng tạo tương lai". Chúng tôi tin rằng bằng việc khơi dậy cảm hứng của mọi người với tri thức khoa học và tạo ra cơ hội phát huy năng lực của con người chính là chìa khóa cho mọi thành công của xã hội. Vì thế, Khoa Marketing luôn tìm tòi, sáng tạo những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy để tạo cảm hứng và trang bị cho người học khả năng tự học tập và vươn tới thành công trong một môi trường thay đổi nhanh chóng.
-
3.2 Thông tin về từng ngành
- Thời lượng đào tạo: theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Tổng số tín chỉ: 133
- Chuẩn đầu ra tiếng Anh: 4.5 điểm Ielf hoặc tương đương.
- Mục tiêu đào tạo: sau 3 đến 5 năm ra trường sinh viên tốt nghiệp sẽ có năng lực cần thiết để phát triển thành:
Chuyên viên marketing : làm việc cho các Client and Agency về lĩnh vực marketing trong môi trường liên ngành, đa văn hóa.
Nhà quản trị marketing: đủ năng lực đảm nhiệm các vị trí quản trị Marketing cấp trung gian và cấp cao cho thị trường lao động quốc gia và quốc tế ở các vị trí công việc như là: Giám đốc marketing, giám đốc nhãn hàng, giám đốc truyền thông, giám đốc sáng tạo, giám sát bán hàng.
Sinh viên chuyên ngành Quản trị Marketing được đào tạo và chuẩn bị các kiến thức cũng như năng lực cần thiết để phát triển theo các mức độ thăng tiến nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, tổ chức từ nhân viên marketing (marketing executive) đến các cấp quản trị trung gian (marketing manager) và quản trị marketing cấp cao (marketing director) ở cấp độ quốc gia và quốc tế- những nơi đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và năng lực tiếng Anh tốt, bao gồm:
+ Các cơ quan Nhà nước; các tổ chức phi chính phủ để phụ trách các hoạt động về marketing như: Tổ chức sự kiện; Nghiên cứu và phân tích thị trường; Quan hệ công chúng; Thiết kế và quản lý các chương trình truyền thông marketing; Chiến lược marketing; Quản trị sản phẩm và thương hiệu cho tổ chức.
+ Các doanh nghiệp và tổ chức (Client): để đảm nhiệm hầu hết các công việc liên quan đến chức năng marketing trong doanh nghiệp; với các công ty nổi trội như Unilever, P&G, Coca-Cola, Neslé…Các công việc thường rất đa dạng ở các vị trí khác nhau: từ chuyên viên marketing (chuyên trách các công việc như marketing trực tuyến, nghiên cứu thị trường, phân phối và bán hàng, chăm sóc khách hàng, truyền thông...) đến các chức danh cấp cao hơn như Giám đốc marketing, Giám đốc bán hàng, Giám đốc phát triển kênh phân phối, Giám đốc truyền thông, Giám đốc thương hiệu.
+ Các công ty chuyên cung ứng dịch vụ Marketing (Agency) như công ty tư vấn Marketing; công ty Nghiên cứu và phân tích thị trường, khách hàng (Nielsen, FTA…); công ty chuyên về quảng cáo, truyền thông (như Ogilvy & Mather, Dentsu, Cowan...)
Ngoài ra, những sinh viên theo học chuyên ngành Marketing cũng được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể tự khởi nghiệp cũng như theo học các bậc học cao hơn về lĩnh vực Marketing ở các trường trong và ngoài nước.
+ Lĩnh vực nghiên cứu thị trường (Market Research): Đảm nhận các hoạt động nghiên cứu và phân tích, dự báo xu hướng vận động của thị trường trong các doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu thị trường và bộ phận nghiên cứu thị trường của các đơn vị như Giám đốc Nghiên cứu thị trường, Nhà quản lý nghiên cứu thị trường, Giám sát viên thị trường, nhà phân tích thị trường (Market Research Director, Market Research Manager, Market Research Supervisor, Market Analyst)...
+ Lĩnh vực quản trị thương hiệu và sản phẩm (Product and Brand Management): làm việc và phụ trách các hoạt động quản trị thương hiệu, nghiên cứu và thiết kế, quản trị sản phẩm mới với các vị trí như Giám đốc Thương hiệu, Giám đốc phát triển sản phẩm, Chuyên viên phát triển sản phẩm,... (Brand Manager, Product Manager, Product Development Manager, v.v.)
+ Lĩnh vực truyền thông (Promotion): phụ trách các hoạt động tạo dựng và triển khai thực hiện, cũng như đánh giá hiệu quả các chương trình truyền thông, bao gồm quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng … với các vị trí như Quản trị viên chiêu thị, Chuyên viên quản trị khuyến mãi, Chuyên gia Quan hệ công chúng, Giám đốc quảng cáo, Giám đốc quan hệ công chúng, Quản trị truyền thông tổ chức (Advertising Manager, , Advertising Sales Director, Public Relations Specialist, Public Relations Director, Corporate Communications Manager)....
+ Lĩnh vực phân phối và cung ứng sản phẩm, dịch vụ (Marketing Channels): đảm nhận các công việc quản trị kênh phân phối, phụ trách các hoạt động cung ứng, phân phối và marketing tại điểm bán sao cho sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất, như các Giám đốc phát triển kênh phân phối, Trưởng phòng kinh doanh kênh Horeca, Giám đốc kênh marketing hiện đại (kênh MT), Quản trị viên Trade Marketing,...
+ Lĩnh vực bán hàng và marketing trực tuyến (Sales & marketing online): làm việc và phụ trách các hoạt động quản trị lực lượng bán, thiết kế bán hàng trực tiếp, marketing qua mạng, marketing kỹ thuật số và đảm nhiệm các vị trí như Giám đốc bán hàng, Đại diện bán hàng, Nhân viên bán hàng,...
+ Lĩnh vực định giá cho sản phẩm hoặc dịch vụ (Pricing): Xây dựng và điều chỉnh chính sách giá sản phẩm tại doanh nghiệp (mức giá bán, mức hay tỷ lệ chiết khấu, giá khuyến mãi…)
+ Lĩnh vực quản trị sự kiện (Event Management): phụ trách các hoạt động thiết kế và quản trị các chương trình truyền thông và tổ chức sự kiện, tại các công việc như Nhà hoạch định sự kiện, Chuyên viên tổ chức sự kiện,…
+ Lĩnh vực dịch vụ khách hàng và chăm sóc khách hàng (Customer services): Hoạt động trong các đơn vị và phụ trách các hoạt động thiết kế và cung ứng và dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng, xây dựng và quản lý mối quan hệ với khách hàng (với chức danh như nhân viên chăm sóc khách hàng, trưởng nhóm chăm sóc khách hàng, giám sát viên, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng...
4. Khoa Du lịch
4.1 Giới thiệu chung về Khoa
Khoa Du lịch, trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng có tiền thân là Bộ môn Du Lịch thuộc Khoa Công thương, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau đó là Bộ môn Du Lịch thuộc Khoa Thương Mại – Du Lịch, trường Đại học Kinh tế. Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, ngày 13 tháng 4 năm 2012, Khoa Du lịch chính thức được thành lập như một khoa độc lập, thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
Hiện nay Khoa Du Lịch đang đào tạo 3 chuyên ngành, đó là: Quản trị kinh doanh Du Lịch, Quản trị Khách sạn và Quản trị lễ hội và sự kiện. Không thể không kể đến đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiệt huyết, tận tụy, hết mình vì sự nghiệp đào tạo giáo dục. Hiện nay, Chủ nhiệm Khoa Du lịch là TS. Trương Sỹ Qúy. Ngoài ra, tham gia giảng dạy và sinh hoạt tại Khoa còn có 17 giảng viên khác. Song song với chương trình giảng dạy liên tục được đổi mới và cập nhập để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập toàn cầu, Khoa còn chú trọng phát triển các quan hệ với doanh nghiệp và các Sở Ban ngành, và cả quan hệ quốc tế.
-
4.2 Thông tin về từng ngành
Hiện nay Khoa Du Lịch đang đào tạo 2 ngành theo hình thức tín chỉ với thời lượng đào tạo 4 năm (tùy theo khả năng, sinh viên có thể rút ngắn xuống còn 3 năm):
- Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành gồm 2 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh du lịch và Quản trị sự kiện
- Quản trị khách sạn.
- Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm ở các vị trí trực tiếp cung ứng dịch vụ và các vị trí tác nghiệp trong các bộ phận chức năng (marketing, nhân sự, tài chính) trong các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các công ty tổ chức sự kiện hoặc các doanh nghiệp có bộ phận liên quan. Sinh viên cũng có thể đảm nhiệm vị trí nhân viên của các phòng/bộ phận quản lý khách sạn, quản lý lữ hành, tổ chức sự kiện, trung tâm xúc tiến du lịch thuộc các cơ quan quản lý du lịch. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các tổ chức đào tạo nhân lực du lịch/ khách sạn/ sự kiện và nghiên cứu phát triển du lịch. Sau khi trải nghiệm ở vị trí nhân viên, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí giám sát của các nhóm nhân sự trực tiếp cung ứng dịch vụ hoặc thuộc các hoạt động chức năng.
- Hợp tác đào tạo và nghiên cứu
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khoa Du lịch xây dựng chương trình đào tạo áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học từ khóa 44K. Theo đó, Khoa chú trọng mở rộng quan hệ và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo thông qua việc kí kết hợp tác đào tạo và trao đổi sinh viên thực tập với các tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh như Sở Du lịch, Quản lý Khu du lịch Bà Nà, Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Đà Nẵng, Khu nghỉ dưỡng Furama, Khu nghỉ dưỡng Hyatt, Công ty CP. Du lịch Việt Nam Vitours, Công ty CP. Vietnam Travelmart,… Bên cạnh đó, Khoa còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong giảng dạy và trao đổi sinh viên. Các chương trình đào tạo liên kết được thực hiện với một số đối tác quốc tế như:
+ Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Hà Lan
+ Đại học Cadiff Metropolitan, Vương quốc Anh
+ Đại học Sunderland, Vương quốc Anh
+ Học viện Công nghệ Cork, Ai-len
+ Đại học Northumbria, Vương quốc Anh
+ Đại học Queensland, Úc
5. Khoa Kinh doanh quốc tế
5.1 Giới thiệu chung về Khoa
Khoa Kinh doanh quốc tế có lịch sử hơn 25 năm trong việc cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế tại Việt Nam. Khoa đã được tái cấu trúc một số lần để đáp ứng các thay đổi môi trường với các cột mốc chính như sau:
- Năm 1985, Khoa Thương mại và Công nghiệp được thành lập với hai chương trình là Kinh tế Công nghiệp và Kinh tế Thương mại. Sau đó vào năm 1992, chương trình mới được phát triển là chương trình Ngoại thương.
- Năm 1995, Khoa Thương mại - Du lịch được thành lập trên nền tảng của Khoa Thương mại và Công nghiệp. Khoa Thương mại - Du lịch chịu trách nhiệm cho ba chương trình chính: Du lịch, Thương mại và Ngoại thương.
- Năm 2012, Khoa Thương mại - Du lịch được chia thành hai khoa là Khoa Thương mại và Khoa Du lịch. Chương trình Ngoại thương thuộc Khoa Thương mại, được đổi tên thành chương trình Kinh doanh Quốc tế.
- Tháng 6/2018, Khoa Thương mại được đổi tên thành Khoa Kinh doanh Quốc tế. Hiện tại, Khoa Kinh doanh Quốc tế là một trong 13 khoa của Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển và lớn mạnh, Khoa đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của Trường trong giáo dục, nghiên cứu và phát triển cộng đồng.
- Với lịch sử hơn 25 năm, Khoa Kinh doanh Quốc tế đã cung cấp hơn 3000 sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế cho Việt Nam. Cựu sinh viên của chúng tôi đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty, cơ quan chính phủ, trường đại học và các tổ chức khác. Mạng lưới cựu sinh viên của chúng tôi là một trong những kênh chính để kết nối các chương trình của chúng tôi và các sinh viên hiện tại.
Nhằm mục đích trở thành trung tâm giảng dạy, học tập và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế tại Việt Nam và Đông Nam Á, Khoa đã đưa ra các định hướng phát triển đúng đắn. Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy cũng như phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và nhân viên được coi là hai nhiệm vụ quan trọng nhất. Khoa cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và các phòng ban cũng như nhiều doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu.
Trong những năm qua, Khoa Kinh doanh Quốc tế luôn được Trường đánh giá cao và chiếm được lòng tin của sinh viên và doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo được cải thiện, đội ngũ giảng viên không ngừng tích lũy kiến thức và kỹ năng trong giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, các chuyên gia thường xuyên được mời thỉnh giảng và trình bày trong các hội thảo để mở rộng kiến thức thực tế cho sinh viên và để trao đổi kiến thức và kỹ năng với các giảng viên của Khoa. Các sinh viên Khoa đã đạt được nhiều thành công trong học tập với tỷ lệ tốt nghiệp giỏi và xuất sắc luôn trong khoảng 30%, đây là tỷ lệ cao nhất trong toàn trường. Hầu hết sinh viên của Khoa đều có kiến thức và kỹ năng học tập tốt, cũng như có kỹ năng ngoại ngữ tốt để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các sinh viên Khoa cũng đã giành được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng và cấp Bộ GD & ĐT, cũng như giành được giải thưởng trong các cuộc thi khác về ngoại ngữ, tin học. Hơn nữa, Khoa và sinh viên rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động từ thiện, các hoạt động ngoại khóa và hỗ trợ cộng đồng.
Khoa hiện có 26 giảng viên, bao gồm 07 Tiến sĩ, 14 Thạc sĩ, 02 cử nhân (bao gồm thư ký Khoa Khoa) và 03 Nghiên cứu sinh đang học tập ở nước ngoài. Hầu hết các giảng viên đã được đào tạo ở các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc .... Các giảng viên thường tham gia các khóa đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy. Về mặt nghiên cứu, các giảng viên của Khoa đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhau trong những năm qua.
5.2 Thông tin về từng ngành
- Thời gian đào tạo: Theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 133 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.
Chương trình Ngoại thương, hiện là Chương trình Kinh doanh Quốc tế được thành lập năm 1992 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Chương trình này sau đó đã trở thành một trong những chương trình đại học chính tại Đại học Kinh tế. Đặc biệt, nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao trong hai thập kỷ trước mang đến cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời cho sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này. Chương trình tạo nền tảng cho sinh viên theo đuổi sự nghiệp kinh doanh quốc tế. Nó cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để theo đuổi nhiều nghề nghiệp trong các công ty trong nước và nước ngoài. Sinh viên sẽ được trang bị để có thể làm việc với các tổ chức thương mại và đầu tư định hướng quốc tế, hoặc trong các lĩnh vực công và tư trong quản lý, hoạch định chiến lược, nghiên cứu, quan hệ chính phủ - doanh nghiệp, vận hành quốc tế và quan hệ công chúng.
Chương trình kinh doanh quốc tế được thiết kế chặt chẽ trong cấu trúc và nội dung để cung cấp cho sinh viên các kỹ năng và kiến thức kinh doanh quan trọng về nhận thức quốc tế, phát triển sự hiểu biết của sinh viên về các khía cạnh xã hội, văn hóa và chính trị của kinh doanh quốc tế, dựa trên các yêu cầu và phản hồi của các bên liên quan. Chương trình giảng dạy này được đối sánh với chương trình từ nhiều trường đại học, như Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Aston - Anh, Đại học New South Wales - Úc. Mục tiêu của chương trình Kinh doanh quốc tế là cung cấp cho sinh viên:
- Kiến thức và kỹ năng chuyên ngành phù hợp với sự phát triển và quản lý của các tổ chức kinh doanh quốc tế, đặc biệt là trong các công ty xuất nhập khẩu;
- Kiến thức cơ bản về khoa học, kinh tế và kinh doanh phục vụ cho việc học các bằng cấp cao hơn;
- Kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp và kỹ năng CNTT;
- Tiếng Anh trong công việc ở trình độ nâng cao;
- Thái độ làm việc chuyên nghiệp;
- Khả năng tự học.
- Cơ hội nghề nghiệp:
* Kinh doanh xuất nhập khẩu:
- Quản lý xuất nhập khẩu
- Nhân viên sales, Nhân viên xuất nhập khẩu
- Thu mua hàng, quản lý đơn hàng
- Nhân viên chứng từ, Nhân viên dịch vụ hải quan, nhà buôn bán |
* Công ty có vốn đầu tư nước ngoài:
- Nghiên cứu thị trường
- Tư vấn về marketing quốc tế
- Tư vấn về tài chính quốc tế
- Tư vấn về đầu tư quốc tế |
* Công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu:
- Giao nhận, môi giới thuê tàu
- Quản lý thanh toán trong ngoại thương
- Nhân viên hãng tàu
- Nhân viên hải quan |
* Tổ chức chính phủ/phi chính phủ, Các viện nghiên cứu:
- Tư vấn trong các tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ
- Chuyên gia xúc tiến thương mại
- Tư vấn về kinh doanh quốc tế
- Nhà nghiên cứu/ Giảng viên |
Sinh viên theo học chương trình Kinh doanh quốc tế có cơ hội để đi trao đổi theo một số thỏa thuận hợp tác giữa DUE với các trường đại học nước ngoài ở Úc và Anh. Các thỏa thuận này cho phép sinh viên tiếp tục học theo chương trình 2 + 2 tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc), Đại học Hull (Anh) hoặc chương trình 3 + 1 tại Đại học Hull, Cao đẳng Newcastle, Đại học Sunderland (Anh ), Đại học Cardiff (Anh).
Hơn nữa, sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ có nhiều cơ hội việc làm và triển vọng nghề nghiệp tốt vì sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để đảm nhận các vị trí chuyên nghiệp hoặc vị trí quản lý ở tất cả các cấp trong một số tổ chức kinh doanh như các công ty thương mại ở nước ngoài; vận tải và giao nhận vận tải quốc tế; công ty đa quốc gia; và các doanh nghiệp tài chính & ngân hàng. Do đó, khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp từ chương trình Kinh doanh quốc tế có việc làm được trả lương cao trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp và khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp.
6. Khoa Ngân hàng
6.1 Giới thiệu chung về Khoa
Quá trình thành lập: Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hiện nay tiền thân từ Bộ môn Tài chính - Tín dụng trực thuộc Khoa Kinh tế Nghiệp vụ. Bộ môn Tài chính - Tín dụng được thành lập từ năm 1987 với chức năng xây dựng chương trình và đào tạo chuyên ngành Ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân trong lĩnh vực ngân hàng cho khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và khóa đào tạo sinh viên ngành Ngân hàng đầu tiên của Khoa được tuyển sinh vào năm 1987. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, từ một Bộ môn ban đầu, Khoa Ngân hàng đã trải qua những bước phát triển như sau:
- Năm 1995, thành lập Khoa Tài chính–Thống kê dựa trên 2 tổ Bộ môn: Tài chính - Tín dụng và Thống kê đê đảm nhiệm đào tạo chuyên ngành Ngân hàng và Thống kê.
- Năm 2005, Bộ môn Tài chính–Ngân hàng được tách thành Khoa Tài chính–Ngân hàng độc lập để đảm nhiệm vai trò đào tạo chuyên ngành Ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về qui mô và yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính cho khu vực Miền Trung - Tây nguyên và cả nước. Năm 2006, Khoa Tài chính–Ngân hàng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bậc cao học chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Năm 2007, Khoa tiếp tục mở chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp hệ đại học chính qui, năm 2011, chương trình chất lượng cao chuyên ngành Ngân hàng được triển khai. Năm 2013, Khoa tuyển sinh khóa đầu tiên chuyên ngành Tài chính công hệ đại học chính quy. Năm 2014, Khoa chính thức thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ ngành Tài chính - Ngân hàng.
- Năm 2014, Khoa Ngân hàng được thành lập dựa trên cơ sở tách từ Khoa Tài chính – Ngân hàng.
Lực lượng giảng viên của Khoa không ngừng lớn mạnh qua các năm, hiện tại, tổng số cán bộ viên chức của Khoa Ngân hàng có 21 người, gồm 20 giảng viên và 01 thư ký. Trong số 20 giảng viên, có 01 Phó Giáo sư, 05 Tiến sỹ, 14 Thạc sỹ, 05 Giảng viên chính. Hiện có 04 giảng viên đang nghiên cứu sinh ở nước ngoài, 01 nghiên cứu sinh trong nước.
Chức năng, nhiệm vụ của Khoa: Giảng dạy ngành Tài chính – Ngân hàng ở cấp Đại học và Cao học, và nghiên cứu khoa học. Mục tiêu đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng theo định hướng tiệm cận được những tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại, quốc tế về cả ba mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm đạt được tiêu chuẩn tốt trên cơ sở phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân sự giảng dạy trình độ cao; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy bảo đảm tiêu chuẩn; đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng và chất lượng các tài liệu học tập…), áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và nội dung chương trình giảng dạy tiệm cận theo chuẩn quốc tế. Mặt khác, chương trình đào tạo cũng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu làm việc trong môi trường quốc tế của sinh viên tốt nghiệp.
Hiện Khoa được Nhà trường giao thực hiện quản lý đào tạo 2 chuyên ngành đào tạo hệ đại học là chuyên ngành Ngân hàng và và chuyên ngành Tài chính công.
6.2 Thông tin về từng ngành
6.2.1 Giới thiệu chuyên ngành Ngân hàng
- Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Ngân hàng là trang bị cho sinh viên những kiến thức lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhất là những kiến thức về nghiệp vụ và quản trị ngân hàng, giúp cho sinh viên có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách, quản trị và thực hành các nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng. Đặc trưng nổi bật của chương trình là nội dung kiến thức tương thích ở mức độ cao với các chương trình đào tạo cùng chuyên ngành ở các nước tiên tiến. Ngoài ra, chương trình còn trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, về hoạt động kinh doanh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo dựng nền tảng cho sự thành công và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
- Sinh viên tốt nghiệp có tính độc lập, tự chủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp; có kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp tốt, sử dụng được tiếng Anh trong hoạt động nghề nghiệp (trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 hoặc tươngđương trở lên).Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các công việc nghiệp vụ hoặc các vị trí quản trị các cấp trong các tổ chức sau: Ngân hàng thương mại; Các ngân hàng thuộc loại hình khác; Các định chế tài chính khác như: Công ty bảo hiểm; Bảo hiểm xã hội; Công ty tài chính; Công ty cho thuê tài chính; Công ty chứng khoán; Quỹ đầu tư; Công ty đầu tư chứng khoán; Công ty quản lý quỹ; Công ty định mức tín nhiệm; Công ty tư vấn tài chính. Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp còn có thể công tác tại các viện nghiên cứu kinh tế, và có thể đảm nhiệm công tác giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng.
- Thời gian đào tạo thiết kế là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm với khối lượng kiến thức toàn khóa là 133 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng. Sinh viên chuyên ngành ngân hàng hiện có cơ hội chuyển tiếp 1 hoặc 2 năm cuối tại 06 trường đại học uy tín trên thế giới và được các trường này cấp bằng như: QUT Business School, New Castle College, The University of Sunderland, Massey University, Keuka University, University of Hull.
6.2.2 Chuyên ngành Tài chính công
- Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Tài chính công là trang bị cho sinh viên vừa có những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực tài chính nói chung vừa có những kiến thức chuyên sâu, kỹ năng chuyên nghiệp về tài chính công và quản lý tài chính trong khu vực công ở các cấp độ khác nhau - từ hoạch định chính sách cho đến tác nghiệp. Theo đó, cử nhân của chuyên ngành tài chính công sẽ có khả năng phân tích chính sách tài chính vĩ mô; đánh giá tác động chính sách tài chính công (chính sách đầu tư công và chính sách thuế) đến hiệu quả phân bổ nguồn lực, công bằng xã hội và ổn định kinh tế; thực hiện được các nghiệp vụ liên quan đến thuế, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội và đầu tư công… Chương trình cũng được thiết kế nhằm thích ứng với việc đa dạng hóa nghề nghiệp của người học.
- Sinh viên tốt nghiệp có tính độc lập, tự chủ, và khả năng tổ chức công việc theo nhóm; có phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp; có kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong hoạt động nghề nghiệp (trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 hoặc tươngđương trở lên).Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại: Các cơ quan quản lý tài chính chuyên ngành: Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Kiểm toán nhà nước,…; Các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính, đầu tư công; Các đơn vị hành chính Nhà nước; Các đơn vị sự nghiệp công lập; Các công ty tư vấn tài chính, thuế; Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tài chính phi lợi nhuận khác; Các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
- Thời gian đào tạo thiết kế là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm với khối lượng kiến thức toàn khóa là 133 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.
Email: trangvt@due.edu.vn
7. Khoa Tài chính
7.1 Giới thiệu chung về Khoa
Khoa Tài chính được thành lập vào tháng 11 năm 2014. Tiền thân của Khoa Tài chính là Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp thuộc Khoa Tài chính – Ngân hàng và Bộ môn Quản trị Tài chính thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Khoa Tài chính là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của khu vực miền Trung và cả nước. Đây cũng là nơi phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế hiện đại.
Khoa Tài chính hiện có hai Bộ môn: Tài chính Doanh nghiệp và Đầu tư Tài chính, với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, gồm 04 Phó giáo sư, 07 Tiến sĩ và 13 Thạc sĩ, được đào tạo về chuyên ngành Tài chính từ các trường đại học lớn của các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Nga, Thái Lan. Ngoài ra, Khoa còn nhận được sự hỗ trợ, cộng tác trong giảng dạy và nghiên cứu từ các chuyên gia, nhà quản lý uy tín của các công ty, định chế tài chính lớn trong nước. Các giảng viên của Khoa công tác nghiên cứu với các nhà khoa học uy tín quốc tế ở các nước như Mỹ, Úc, New Zealand.
7.2 Thông tin về từng chuyên ngành
Khoa Tài chính hiện đang đảm nhận đào tạo đại học và kết hợp đào tạo sau đại học các chuyên ngành sau:
7.2.1 Chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp
Chương trình đào tạo của chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp được xây dựng theo hướng chuyên sâu về quản lý các hoạt động tài chính liên quan đến các loại hình doanh nghiệp. Phần kiến thức ngành là kiến thức chung về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng nhằm giúp người học có kiến thức nền tảng toàn diện liên quan đến hoạt động tài chính trong các loại hình doanh nghiệp, các định chế tài chính và thị trường tài chính. Phần kiến thức chuyên ngành là những kiến thức chuyên sâu về hoạt động tài chính doanh nghiệp, bao gồm cả kiến thức cơ sở về kế toán và kiến thức tài chính chuyên sâu khác có liên quan như tài chính quốc tế, kiểm toán, nghiệp vụ ngân hàng.v.v...
Khi ra trường, người học có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên tài chính hoặc quản lý tài chính các cấp trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau, các tổ chức cung ứng các dịch vụ tài chính, các định chế tài chính như tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc như thực hiện các nghiệp vụ tài chính, phân tích, hoạch định và quản lý các hoạt động tài chính, bao gồm tài chính dự án, đầu tư tài chính, quản trị tài sản và vốn, tài trợ, phân chia cổ tức, quản trị dòng tiền và rủi ro tài chính, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng “Tài chính – Ngân hàng” và bảng điểm sẽ được ghi chuyên ngành “Tài chính Doanh nghiệp”.
7.2.2 Chuyên ngành Quản trị Tài chính
Chương trình đào tạo của chuyên ngành Quản trị Tài chính được xây dựng theo hướng chuyên sâu vào chức năng quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Phần kiến thức ngành là kiến thức chung về quản trị kinh doanh nhằm giúp người học có kiến thức nền tảng toàn diện về quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp. Phần kiến thức chuyên ngành là những kiến thức về quản trị tài chính được đặt trong mối quan hệ tương tác với các chức năng quản trị khác trong doanh nghiệp như quản trị sản xuất, quản trị marketing.v.v…
Khi ra trường, người học có thể đảm nhiệm vị trí quản lý tài chính các cấp trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau, cũng như một số vị trí công việc thích hợp trong các cơ quan, tổ chức, định chế tài chính. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc như phân tích và lập kế hoạch tài chính, quản trị ngân quỹ, quản trị tài sản và vốn, quản trị tín dụng, quản trị rủi ro tài chính, quản trị các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), quản trị tài chính công ty đa quốc gia.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng “Quản trị Kinh doanh” và bảng điểm sẽ được ghi chuyên ngành “Quản trị Tài chính”.
Điện thoại: (0236) 3 525 459
Email: khoa_taichinh@due.edu.vn
8. Khoa Thống kê – Tin học
8.1 Giới thiệu chung về khoa
Khoa Thống kê - Tin học (Statistics - Informatics Department) được thành lập vào tháng 01 năm 2005. Tiền thân của Khoa là bộ môn Thống kê - Kế hoạch thuộc Khoa Kinh tế, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thành lập năm 1975 và sau đó là bộ môn Thống kê, Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng thành lập năm 1985; bộ môn Thống kê - Tin học, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thành lập năm 1990.
Hiện nay, Khoa có 22 cán bộ, trong đó có 08 Tiến sĩ, 04 nghiên cứu sinh Tiến sĩ, 2 nghiên cứu sau Tiến sĩ và 07 Thạc sỹ và 1 Cử nhân. Giảng viên của Khoa phần lớn được đào tạo ở nước ngoài.
8.2 Thông tin về từng chuyên ngành
- Thời lượng đào tạo: 3,5-4 năm
- Tổng số tín chỉ: 133 tín chỉ
- IELTS 4.5 (hoặc tương đương) trở lên
- Khoa đảm nhận đào tạo 02 ngành học với 03 chuyên ngành:
Hợp tác doanh nghiệp: Khoa luôn quan tâm và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với hoạt động thực tiễn của đơn vị tuyển dụng thông qua các chương trình thực tập sinh, thực tập tốt nghiệp, hội thảo, nghiên cứu khoa học… Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cũng được mời để tư vấn cho Khoa trong việc xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác, sinh viên có thể nhận được nhiều học bổng có giá trị để khuyến khích học tập và nghiên cứu khoa học từ các đối tác.
Các đơn vị hợp tác truyền thống với Khoa:
+ Tổng cục Thống kê, cục thống kê, chi cục thống kê
+ Công ty FPT Việt Nam
+ Công ty IBM Việt Nam
+ Công ty Cổ phần phần mềm quản lý doanh nghiệp (FAST)
+ Công ty Logigear (lĩnh vực kiểm thử phần mềm)
+ Công ty cổ phần phần mềm BRAVO
+ Công ty GAMELOFT Đà Nẵng
+ Trung tâm công nghệ thông tin điện lực miền Trung
+ Trung tâm đào tạo CNTT Softech Aptech Đà Nẵng
Chuyên ngành Tin học quản lý
Chương trình đào tạo chuyên ngành Tin học quản lý trang bị cho người học một cách có hệ thống các kiến thức nền tảng về kinh doanh - quản trị, kế toán - tài chính và hệ thống thông tin (HTTT).
Chương trình đào tạo đặc biệt chú trọng đến kiến thức công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, với kỹ năng thuần thục các công cụ, kỹ thuật, phương pháp tiếp cận và triết lý cần thiết cho việc tổ chức, thiết kế, tích hợp và ứng dụng thành công CNTT và truyền thông hiện đại vào tiến trình quản lý và kinh doanh thông minh của các tổ chức và doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo còn trang bị cho người học những kỹ năng mềm cần thiết như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy - sáng tạo - phân tích - phản biện; ý thức tôn trọng pháp luật, trách nhiệm với bản thân và xã hội; khả năng nghiên cứu độc lập, phát triển chuyên môn liên tục và học tập suốt đời.
Chuyên ngành Quản trị hệ thống thông tin
Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản Trị Hệ Thống Thông Tin trang bị cho người học một cách có hệ thống các kiến thức nền tảng về kinh tế - xã hội, kinh doanh - quản lý, kế toán - tài chính; chương trình đặc biệt chú trọng các kiến thức chuyên sâu về hệ thống thông tin quản lý, kiến thức tổ chức và quản trị hệ thống thông tin.
Chương trình đào tạo tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, nhằm trang bị cho người học một năng lực tối thiểu cho các hoạt động phân tích, đánh giá, thiết kế, đảm bảo sự an toàn và bảo mật của các hệ thống thông tin, đặc biệt là năng lực quản trị các hệ thống thông tin trong tiến trình hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo còn trang bị cho người học những kỹ năng mềm cần thiết như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy - sáng tạo - phân tích - phản biện; ý thức tôn trọng pháp luật, trách nhiệm với bản thân và xã hội; khả năng nghiên cứu độc lập, phát triển chuyên môn liên tục và học tập suốt đời.
Thống kê Kinh tế xã hội
- Chương trình Thống kê Kinh tế - Xã hội được thiết kế nhằm mang lại cho sinh viên những cơ hội việc làm trong lĩnh vực thống kê hoặc các lĩnh vực liên quan.
- Chương trình trang bị cho sinh viên một cách có hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, kinh tế - xã hội, kinh doanh và quản lý, tài chính, toán ứng dụng, công nghệ thông tin, đặc biệt kiến thức nền tảng về thống kê lý thuyết và chuyên sâu về thống kê ứng dụng nhằm thực hiện đầy đủ qui trình nghiên cứu thống kê trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
- Chương trình chú trọng rèn luyện cho sinh viên kỹ năng cơ bản cũng như kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bản thân và nghề nghiệp thống kê trong môi trường hội nhập.
- Chương trình góp phần nâng cao phẩm chất chính trị; đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ pháp luật và hành vi phù hợp, tinh thần học tập suốt đời cho sinh viên.
- Cơ hội việc làm:
- Sau khi ra trường, người học có thể làm việc với tư cách chuyên trách hoặc tư vấn về các nghiệp vụ chuyên môn thống kê như điều tra thu thập thông tin, xử lý phân tích dữ liệu kinh tế xã hội trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan thống kê nhà nước, các tổ chức và các doanh nhiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Ngoài ra cử nhân chuyên ngành Thống kê Kinh tế - Xã hội có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy thống kê kinh tế xã hội ở các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.
- Điện thoại: 05113910885
- Website: http://due.udn.vn/khoa-thong-ke-tin-hoc
- Email: tkth@due.edu.vn
9. Khoa Kinh tế
9.1 Giới thiệu chung về khoa
Tên khoa: Khoa Kinh tế
Lịch sử phát triển của Khoa:
Năm 1975 sau ngày giải phòng Miền Nam, bộ môn Kế hoạch - Thống kê trong Khoa Kinh tế của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng được thành lập, đây là Bộ môn tiền thân của khoa Kinh tế. Năm 1985 Bộ môn được tổ chức lại thành tổ bộ môn Kinh tế tổng hợp, sinh hoạt trong khoa Kinh tế Nghiệp vụ, thuộc Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Cuối năm 1995 Khoa Kinh tế được thành lập, là một khoa độc lập của trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Đà Nẵng. Đến nay Khoa Kinh tế là một trong 13 khoa của trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Với sứ mệnh chuyển giao tri thức khoa học về kinh tế, tạo dựng môi trường học tập năng động và chuyên nghiệp; giúp người học phát triển năng lực và nuôi dưỡng đam mê để thành công trong công việc và cuộc sống; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua gần 45 năm xây dựng và phát triển, uy tín và doanh tiếng về Kinh tế Phát triển của Khoa đã được khẳng định và có chỗ đứng trên thị trường lao động khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Mục tiêu của Khoa là đào tạo các nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành ở tầm vĩ mô có khả năng tham gia vào quá trình hoạch định thực thi chính sách vĩ mô ở các ngành, các cấp khác nhau và các tổ chức cung ứng dịch vụ côngtrong điều kiện nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, cũng như các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế.
Hiện nay khoa đảm nhiệm đào tạo 3 chuyên ngành đại học: Kinh tế Phát triển, Kinh tế Đầu tư; Kinh tế và Quản lý công; 2 chuyên ngành cao học: Kinh tế Phát triển và Quản lý Kinh tế; 1 chuyên ngành tiến sĩ: Kinh tế Phát triển.
Đội ngũ của khoa là các giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề nghiệp, gồm 1 Giáo sư, 1 phó giáo sư, 8 Tiến sĩ; 13 thạc sĩ (trong đó có 4 người đang làm nghiên cứu sinh).
-
9. 2 Thông tin về từng chuyên ngành
9.2.1 Chuyên ngành Kinh tế phát triển: Khối lượng đào tạo 133 tín chỉ
- Mục tiêu: Chuyên ngành Kinh tế phát triển đào tạo ra các cử nhân có năng lực về chuyên môn để thực hiện công tác phân tích, hoạch định, tổ chức thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia, địa phương, vùng, ngành và các tổ chức kinh tế - xã hội; có kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giao tiếp nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường.
- Kiến thức: Kiến thức cơ bản về cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Cách thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để tạo ra năng lực sản xuất của nền kinh tế; Hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phương pháp xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH; Quản lý, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực thi các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH; Phân tích, đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội
- Kỹ năng: Kỹ năng giao tiếp và truyền thông; Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; Kỹ năng phân tích; Kỹ năng hoạch định; Kỹ năng quản lý; Kỹ năng lãnh đạo.
- Thái độ và hành vi: Tuân thủ qui định của pháp luật; Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần phục vụ cộng đồng.
- Tin học: Đạt chuẩn sử dụng CNTT nâng cao.
- Ngoại ngữ: Trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 và tương đương.
- Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Cử nhân chuyên ngành Kinh tế phát triển có thể làm việc ở các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư, Kinh tế, Tài chính, Nhân lực, Tài nguyên môi trường, Đô thị, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội....; Các đơn vị kinh tế ở các cấp (Tỉnh, thành phố, Quận, huyện, xã, phường, doanh nghiệp...); Các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại, du lịch...); Giảng dạy, nghiên cứu về Kinh tế.
- 9.2.2 Chuyên ngành Kinh tế đầu tư
- Khối lượng đào tạo 133 tín chỉ
- Mục tiêu: Chuyên ngành Kinh tế đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực về chuyên môn để thực hiện công tác phân tích, hoạch định, tổ chức, thực thi và quản lý hoạt động đầu tư ở phạm vi quốc gia, địa phương, vùng, ngành, các tố chức kinh tế - xã hội; Các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài… một cách độc lập; Có kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giao tiếp nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường.
- Kiến thức: Am hiểu cơ chế vận hành của thị trường tài chính, thị trường vốn trong nền kinh tế thị trường; Cách thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển; Phân tích, đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội, phát hiện cơ hội đầu tư và cung ứng dịch vụ tư vấn đầu tư; Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, dự án phát triển KT-XH; Quản lý, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực thi các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH.
- Kỹ năng: Kỹ năng giao tiếp và truyền thông; Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; Kỹ năng phân tích; Kỹ năng hoạch định; Kỹ năng quản lý dự án đầu tư; Kỹ năng lập, thẩm định dư án đầu tư; Kỹ năng xúc tiến đầu tư.
- Thái độ và hành vi: Tuân thủ qui định của pháp luật; Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần phục vụ cộng đồng.
- Tin học: Đạt chuẩn sử dụng CNTT nâng cao.
- Ngoại ngữ: Trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 hoặc tương đương.
- Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân chuyên ngành Kinh tế Đầu tư có thể đảm đương được các vị trí việc làm: Quy hoạch, kế hoạch đầu tư, quản lý dự án đầu tư, quản lý đấu thầu, thẩm định dự án đầu tư, xúc tiến đầu tư…trong các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư; Các tổ chức kinh tế - xã hội; Các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài; Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp; Trung tâm xúc tiến đầu tư; Tư vấn đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các địa phương và doanh nghiệp; Giảng dạy, nghiên cứu về kinh tế.
- 9.2.3 Chuyên ngành Kinh tế và Quản lý công
- Khối lượng đào tạo 133 tín chỉ
- Mục tiêu: Chuyên ngành Kinh tế và Quản lý công đạo tạo các cử nhân có năng lực chuyên môn thực hiện công tác quản lý, huy động và khai thác các nguồn lực công, cung ứng các dịch vụ công, thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước; tham gia hoạch định và quyết định các chính sách kinh tế - xã hội; Có kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giao tiếp nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường.
- Chuẩn đầu ra của chuyên ngành:
+ Kiến thức: Am hiểu cách thức vận hành của thị trường hàng hóa, dịch vụ công; Cách thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực công; Phương pháp xác định các nguồn lực và lợi thế của nền kinh tế/ vùng lãnh thổ/ địa phương, làm cơ sở cho việc xây dựng, đề xuất hoặc phản biện chính sách phát triển kinh tế; Phương pháp phân tích và đánh giá các vấn đề liên quan đến nguồn lực công; chính sách công; cung ứng hàng hóa và dịch vụ công; Các chính sách liên quan đến quản lý nguồn lực công, tổ chức cung ứng hàng hóa và dịch vụ công; Thẩm định các dự án đầu tư công, tài trợ công.
+ Kỹ năng: Kỹ năng truyền thông; Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; Kỹ năng phân tích và đánh giá; Kỹ năng quản lý; Kỹ năng lãnh đạo.
+ Thái độ và hành vi: Tuân thủ qui định của pháp luật; Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần phục vụ cộng đồng.
+ Tin học: Đạt chuẩn CNTT nâng cao.
+ Ngoại ngữ: Trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 và tương đương.
- Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp: Cử nhân Kinh tế và Quản lý công có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực (Kinh tế, Tài chính, Nhân lực, Tài nguyên môi trường, Đô thị; Văn hóa xã hội; Giáo dục; Y tế…); Các tổ chức, đơn vị kinh tế, sự nghiệp, công ích; Ban quản lí các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Các tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài; Giảng dạy, nghiên cứu về kinh tế, quản lý và chính sách công.
10. Khoa Lý Luận chính trị
10.1 Giới thiệu chung về khoa
- Tên khoa: Lý luận chính trị
- Lịch sử phát triển của Khoa:
Khoa Lý luận chính trị, tiền thân là Bộ môn Mác - Lênin được thành lập từ năm 1975 tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Năm 1998 Khoa chuyển về sinh hoạt chuyên môn tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh trên cơ sở sáp nhập các bộ môn Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Mình từ các cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng.
Từ tháng 01 năm 2008 Khoa Mác - Lênin được tách thành 02 khoa: Khoa Mác - Lênin và Khoa Kinh tế chính trị trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
Từ tháng 01 năm 2010, Khoa Mác - Lênin được đổi tên thành Khoa Lý luận chính trị trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho đến nay.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Khoa Lý luận chính trị ngày nay đã trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập nhưng vị thế và vai trò của một Khoa khoa học cơ bản không hề giảm, ngược lại đội ngũ CBVC của Khoa qua nhiều thế hệ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Đại học Đà Nẵng nói chung.
Với đội ngũ giảng viên có trình độ và giàu kinh nghiệm, Khoa Lý luận chính trị đã đảm nhiệm giảng dạy các môn Khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính trị học, Triết học (chương trình Cao học và NCS không chuyên, chương trình chứng chỉ Triết học Sau đại học cho giảng viên), .... cho sinh viên các hệ đào tạo thuộc các Trường thành viên của Đại học Đà Nẵng; phụ trách chuyên môn đối với các môn chuyên ngành của chương trình chuyên ban Triết học - ngành Giáo dục chính trị (Trường Đại học Sư phạm).
Hiện nay, Khoa Lý luận chính trị được Nhà trường giao quản lý và đảm nhiệm giảng dạy chính cho 02 chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế: Một là chương trình đào tạo Sau đại học (Thạc sĩ) ngành Triết học, bắt đầu chiêu sinh từ năm 2011; Hai là, chương trình đào tạo đại học hệ chính qui ngành Quản lý nhà nước - Chuyên ngành Hành chính công, bắt đầu chiêu sinh từ năm 2014.
Từ một Bộ môn trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, và sau nhiều lần tách nhập, đến nay Khoa Lý luận chính trị có 15 giảng viên cơ hữu và 01 Thư ký Khoa, trong đó có 02 PGS, 08 TS, 05 ThS . Đội ngũ giảng viên của Khoa được đào tạo cả trong và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và có thế mạnh trong nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
10.2. Thông tin về chuyên ngành Hành chính công
- Thời lượng đào tạo: 4 năm
- Tổng số tín chỉ: 133
- Cử nhân Quản lý nhà nước (chuyên ngành Hành chính công) hiện nay đang là một trong những ngành học mới và có rất ít trường đại học ở Việt Nam đào tạo. Vì thế, đây sẽ là một ngành học mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo những cử nhân Quản lý nhà nước (chuyên ngành Hành chính công) có kiến thức chuyên sâu về công tác hành chính, có kỹ năng chuyên nghiệp trong việc tư vấn, hoạch định các chiến lược, sách lược cho các dịch vụ công của các cơ quan, các tổ chức kinh tế - chính trị từ trung ương tới địa phương và các tổ chức khác.
- Mục tiêu đào tạo:
+ Nắm vững những kiến thức cơ bản về các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng HCM và Đường lối cách mạng của Đảng CSVN.
+ Hiểu rõ cơ cấu tổ chức trong bộ máy Nhà nước.
+ Có kiến thức tổng quan về kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội trong và ngoài nước.
+ Có kiến thức chuyên sâu về khoa học hành chính, hành chính công.
+ Hiểu và nắm vững kiến thức pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể.
+ Có kiến thức về nghiệp vụ về quản lý hành chính Nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể.
+ Có kiến thức bổ trợ cho việc đưa ra các quyết định hành chính Nhà nước.
Mục tiêu về kỹ năng
+ Nhận định, phân tích, đánh giá được những diễn biến của thực tiễn đang diễn ra ở từng ngành, địa phương; Giải quyết được những vấn đề do thực tiễn của ngành, của địa phương đặt ra có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác quản lý hành chính Nhà nước.
+ Vận dụng tốt các văn bản quy phạm pháp luật vào công tác quản lý hành chính Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể.
+ Hoạch định chiến lược, chính sách công ở từng ngành, địa phương.
+ Tổ chức công sở, tổ chức nhân sự một cách hợp lý trong cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội.
+ Tham mưu cho cấp trên về các chương trình cung cấp dịch vụ công.
+ Cải cách hành chính, xây dựng quy trình cải cách hành chính Nhà nước.
+ Soạn thảo thành thạo một số loại văn bản hành chính Nhà nước.
+ Tiếp nhận và xử lý tốt các thông tin trong hoạt động hành chính Nhà nước.
+ Xử lý nhanh, gọn các sự vụ hành chính Nhà nước.
+ Nắm bắt và ứng dụng công nghệ – thông tin vào công tác hoạt động hành chính Nhà nước.
+ Giao tiếp ngoại ngữ tốt trong công tác ngoại giao với các tổ chức, đơn vị nước ngoài.
+ Nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành, liên ngành.
+ Có năng lực trong ngoại giao và hội nhập.
Cơ hội nghề nghiệp:
+ Trở thành cán bộ, nhân viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân;
+ Có đủ năng lực để làm cán bộ chuyên trách về một lĩnh vực cụ thể trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức kinh tế-xã hội,... thực hiện việc xây dựng các chính sách xã hội của Nhà nước và các địa phương, hoạch định chính sách của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, của các cơ quan và các tổ chức khác.
+ Có cơ hội trở thành nghiên cứu viên, giảng viên tại các Viện, Học viện, trường Đại học, Cao đẳng, TCCN;
+ Có cơ hội trở thành cán bộ quản lý các cấp: Chủ tịch/Phó Chủ tịch Phường/Xã/Thị Trấn/Quận/Huyện/Thành phố; Trưởng Phòng/Phó Trưởng phòng trong các tổ chức kinh tế - xã hội…
+ Có cơ hội trở thành cán bộ lãnh đạo, QL trong các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp Trung ương.
+ Có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn ở nước ngoài.
11. Khoa Luật
11.1 Giới thiệu chung về khoa
Tiền thân của Khoa Luật là Bộ môn Luật, thuộc Khoa Kinh tế - Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng. Đến năm 1994, cùng với sự hình thành Đại Học Đà Nẵng, Bộ Môn Luật là một đơn vị trực thuộc Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế, Đại Học Đà Nẵng.
Năm 2006, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về luật kinh doanh ở Miền Trung trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chương trình đào tạo cử nhân Luật Kinh doanh được bắt đầu triển khai ở Trường. Ngày 12 tháng 11 năm 2011, Khoa Luật chính thức được thành lập theo quyết định của Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
Là một trong những khoa mới được thành lập của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, trong những năm qua Khoa Luật đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức đồng thời với việc phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, Khoa Luật được tổ chức thành hai bộ môn: Bộ môn Luật Hành chính – Hình sự; và Bộ môn Kinh tế - Dân sự.Tổng số lượng cán bộ viên chức của Khoa là 21 người. Số lượng tiến sĩ 3, số lượng NCS 8
Với yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay, Khoa Luật đã và đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bằng những hướng đi riêng của mình, trong những năm gần đây, Khoa Luật đã có những bước tiến lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và cán bô pháp lý cho thành phố Đà Nẵng, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, Khoa Luật sẽ tiếp tục góp phần vào sự phát triển của Trường Đại học Kinh tế và Đại học Đà Nẵng, trở thành một trong những nơi đào tạo và nghiên cứu pháp lý uy tín, có trình độ cao của Việt Nam.
Mục tiêu về đào tạo
“Đào tạo các chuyên gia pháp lý có nhận thức cao về đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức sâu rộng, tinh thông nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu hiện nay của Việt Nam và đủ khả năng tham gia các tranh tụng trong nước và quốc tế”.
11.2. Thông tin về ngành
Khoa Luật đang đào tạo hai ngành ở bậc đại học
- Luật kinh doanh
- Luật học
- Thời lượng đào tạo trung bình cho mỗi ngành là 4 năm
- Tổng số tín chỉ là 133 tín chỉ
- Yêu cầu tiếng anh chuyên ngành là B1 và TOEIC là 450 điểm trở lên
- Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực sau:
+ Tòa án nhân dân;
+ Viện kiểm sát nhân dân;
+ Các cơ quan, ban ngành… trong bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung Ương đến địa phương;
+ Hành nghề luật sư độc lập (sau khi tiếp tục trải qua khóa đào tạo nghiệp vụ Luật Sư)
+ Cố vấn pháp lý, chuyên gia pháp lý cho các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước;
+ Các lĩnh vực khác.
- Định hướng phát triển trong thời gian đến
+ Xây dựng và hoàn thiện phương pháp đào tạo theo hướng tiên tiến, hiệu quả của các nước phát triển trên thế giới.
+ Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên vững mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và có phầm chất đạo đức tốt.
+ Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu học tập, giáo trình, sách tham khảo….
+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng pháp lý trong thực tiễn.
Điện thoại: 02363958418
Email: khoaluat@due.edu.vn
12. Khoa Thương mại điện tử
12.1 Giới thiệu chung về khoa
- Khoa thương mại Điện tử (The Faculty of Electronic Commerce) trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN được thành lập theo quyết định số 464/QĐ-ĐHKT ngày 30/01/2018, trên cơ sở Bộ môn Kinh doanh Thương mại thuộc khoa Thương mại và Chuyên ngành Thương mại Điện tử thuộc khoa Thống kê - Tin học. Đây là khoa Thương mại Điện tử đầu tiên ở Miền Trung - Tây Nguyên đào tạo ngành Thương mại Điện tử theo quy chế đặc thù (tăng 30% thời gian thực hành tại Doanh nghiệp, sinh viên sẽ được học tập, làm việc với các chuyên gia từ doanh nghệp)
- Hiện nay, Khoa có 19 cán bộ, trong đó có 03 Tiến sĩ, 04 nghiên cứu sinh Tiến sĩ và 08 Thạc sỹ. Giảng viên của Khoa phần lớn được đào tạo ở nước ngoài
- Khoa Thương mại Điện tử đào tạo 2 ngành
+ Ngành Kinh doanh Thương mại đào tạo chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Thương mại(Commerce Management)
+ Ngành Thương mại Điện tử (Electronic Commerce) đào tạo chuyên ngành Thương mại Điện tử.
- Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh và thương mại đang nỗ lực thay đổi để thích ứng với một tương lai định hình bởi công nghệ, Khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐHKT ra đời nhằm kết nối những con người có đam mê kinh doanh và yêu thích công nghệ với một lĩnh vực hoạt động mới mẻ đầy tiềm năng của Việt Nam và thế giới .
- Kế thừa truyền thống hơn 40 năm đào tạo lĩnh vực kinh doanh thương mại, cùng sự năng động và tiên phong trong công nghệ kinh doanh, Khoa Thương mại Điện tử chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp, trở thành địa chỉ tin cậy của sinh viên, phụ huynh và cộng đồng kinh doanh.
12.2 Thông tin về từng chuyên ngành
12.2.1 Chuyên ngành Thương mại điện tử
- Thời gian đào tạo: Theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 133 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.
- Yêu cầu tiếng anh: trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 (hoặc tương đương) trở lên.
- Chương trình đào tạo (CTĐT) được xây dựng hướng đến việc đào tạo các chuyên viên kinh doanh và nhà quản trị am hiểu sâu công nghệ thương mại điện tử (TMĐT) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp thiết của các doanh nghiệp và tổ chức chính trị -xã hội trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh tích hợp công nghệ thông tin và điện tử hoá đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới. Mục tiêu của CTĐT này là phát triển các năng lực cần thiết cho người học trong việc ứng dụng công nghệ số và Internet vào thiết kế, quản trị và cải tiến các hoạt động kinh doanh và thương mại trong các tổ chức ở Việt Nam và quốc tế.
Cử nhân TMĐT có khả năng theo đuổi các nghề nghiệp từ chuyên viên đến quản trị viên và lãnh đạo trong các doanh nghiệp TMĐT, các doanh nghiệp tích hợp TMĐT, các tổ chức kinh tế - xã hội có ứng dụng TMĐT trong hoạt động của mình. Với kiến thức và kỹ năng được trang bị, cử nhân TMĐT có năng lực làm việc vượt trội trong các vị trí công việc liên quan đến tương tác khách hàng trực tuyến, khai phá dữ liệu khách hàng, thiết kế và triển khai các giải pháp TMĐT cũng như quản trị tác nghiệp thương mại điện tử.
Chương trình đào tạo này chú trọng vào phát triển năng lực tư duy hệ thống và cải tiến, khả năng ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào thực tiễn kinh doanh cũng như rèn luyện các kỹ năng cá nhân và xã hội, đảm bảo cho người học theo đuổi thành công các mục tiêu nghề nghiệp cũng như phát triển bản thân trong môi trường kinh doanh hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, chương trình đào tạo được xây dựng hướng đến tính hội nhập quốc tế cao thông qua tạo thuận lợi cho người học có thể chuyển tiếp đến các trường danh tiếng trên thế giơi theo chương trình ký kết hợp tác giữa Trường đại học kinh tế Đà Nẵng với các các cơ sở đào tạo nước ngoài. Mặt khác, cử nhân TMĐT có thể theo học các chương trình đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo nước ngoài.
- Cơ hội việc làm: Cử nhân ngành TMĐT, trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN, được tập trung trang bị khả năng quản trị tương tác khách hàng trực tuyến, khai phá dữ liệu khách hàng, thiết kế và triển khai các giải pháp TMĐT, quản trị tác nghiệp thương mại điện tử cũng như năng lực tư duy hệ thống, các kỹ năng cá nhân và xã hội đảm bảo thực hành tốt tại nhiều vị trí công việc khác nhau, trong các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT hay các tổ chức đã, đang và sẽ tích hợp các hoạt động giao dịch điện tử vào hệ thống của mình.
Cụ thể, cử nhân ngành thương mại điện tử đáp ứng tốt nhất các yêu cầu công việc tại các vị trí việc làm:
+ Các chức danh công việc từ chuyên viên kinh doanh đến quản trị viên các cấp trong các doanh nghiệp hoạt động thuần TMĐT;
+ Chuyên viên, quản trị viên chuyên trách TMĐT trong các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử;
+ Chuyên viên quản trị dự án phát triển TMĐT trong các tổ chức mong muốn tích hợp TMĐT vào hoạt động của mình;
+ Chuyên viên, quản trị viên chuyên trách tiếp cận, quản trị, tương tác với người dùng sử dụng các kênh giao tiếp và bán hàng điện tử trong các doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội;
+ Chuyên viên, quản trị viên chuyên trách phân tích kinh doanh và nghiên cứu thị trường dựa trên các dữ liệu số hoá trong các doanh nghiệp và tổ chức; Ngoài ra, cử nhân ngành TMĐT cũng được trang bị kiến thức kinh tế và kinh doanh nền tảng, năng lực nghiên cứu, khả năng tự học tập để làm việc thành công tại các vị trí việc làm sau:
+ Chuyên viên trong các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử;
+ Chuyên viên trong các tổ chức tư vấn và cung cấp các giải pháp thương mại điện tử;
+ Nghiên cứu viên, giảng viên thương mại điện tử trong các tổ chức nghiên cứu và đào tạo.
+ Thành viên sáng lập các dự án khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng TMĐT.
12.2.2 Ngành Quản trị kinh doanh thương mại
- Thời gian đào tạo: Theo thiết kế chương trình là 4 năm, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên có thể rút ngắn còn 3 năm hoặc kéo dài thời gian học tối đa đến 6 năm.
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 133 tín chỉ, không kể các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng.
- Yêu cầu tiếng anh: trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 (hoặc tương đương) trở lên.
- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh doanh Thương mại (KDTM) của trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN được thiết kế với mục tiêu trang bị cho người học kỹ năng quản trị các hoạt động thương mại song hành với các kiến thức cơ bản về chính trị, luật pháp, xã hội, kinh tế và kinh doanh. Chương trình học chú trọng vào việc tạo cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế và được học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại qua các dự án thực tập trong ngành; đồng thời cũng hướng đến đào tạo những cử nhân có được các kỹ năng, qui tắc chuẩn hóa của một nhân lực chất lượng cao bao gồm kỹ năng tiếp cận và giải quyết vấn đề sắc bén, linh hoạt, suy nghĩ đột phá, liên tục đưa ra những ý tưởng và cách nhìn mới, thái độ và tinh thần làm việc chuyên nghiệp, hợp tác không ngừng.
Ngoài ra, chương trình đào tạo được xây dựng hướng đến tính hội nhập quốc tế cao thông qua tạo thuận lợi cho người học có thể chuyển tiếp đến các trường danh tiếng trên thế giới theo chương trình ký kết hợp tác giữa Trường đại học kinh tế Đà Nẵng với các các cơ sở đào tạo nước ngoài. Hơn nữa, cử nhân KDTM có thể theo học các chương trình đào tạo sau đại học ở các cơ sở đào tạo nước ngoài.
- Cơ hội việc làm: Cử nhân ngành Kinh doanh Thương mại được tập trung trang bị khả năng tổ chức các hoạt động kinh doanh thương mại trong và ngoài nước, tổ chức được các chức năng quản trị và điều hành các lĩnh vực chức năng của tổ chức thương mại như nhân sự, tài chính, Marketing..., phối hợp hoạt động các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp thương mại, thực hiện được các nghiệp vụ kinh doanh trong doanh nghiệp thương mại: Giao dịch đàm phán, mua bán hàng, dịch vụ khách hàng, xúc tiến thương mại, quản lý kho, tổ chức phân phối hàng hoá vật chất, kinh doanh theo chuỗi, quản trị bán lẻ, thương mại điện tử, kinh doanh xuất nhập khẩu, cũng như năng lực tư duy hệ thống, các kỹ năng cá nhân và xã hội đảm bảo thực hành tốt tại nhiều vị trí công việc khác nhau, tại các tổ chức thương mại, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, tại bộ phận phụ trách thương mại trong các tổ chức, trong các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức nghiên cứu phát triển thương mại và thương mại quốc tế.
Cụ thể, cử nhân ngành KDTM có nhiều cơ hội và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu công việc tại các vị trí việc làm:
+ Chuyên viên tổ chức kinh doanh thương mại ở các doanh nghiệp
+ Chuyên viên sales và xúc tiến dịch vụ khách hàng
+ Chuyên viên phụ trách xuất nhập khẩu
+ Chuyên viên quản lý mua bán hàng
+ Trưởng ngành hàng
+ Đại diện thương mại
+ Chuyên viên quan hệ khách hàng, chuyên viên quản lý khách hàng, chuyên viên dịch vụ khách hàng tại các doanh nghiệp thương mại
+ Nhân viên kinh doanh tại các đơn vị sản xuất kinh doanh, các công ty thương mại, các công ty xuất nhập khẩu, các văn phòng đại diện, các công ty đa quốc gia, công ty liên doanh, các đơn vị dịch vụ, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng...
+ Chuyên viên tại Phòng kinh doanh của các đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
+ Nghiên cứu viên, giảng viên trong các tổ chức nghiên cứu