1. Tính ứng dụng thực tế, khả thi, tiềm năng của ý tưởng/dự án
VROBOT là một dự án vô cùng khả thi và có tiềm năng phát triển rộng mở phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Thông qua bộ thiết bị này người dùng có thể triển khai lộ trình học tập với các chủ đề khác nhau từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài cung cấp các linh kiện lắp ráp phần cứng, nhóm cũng đã phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội để thiết kế và xây dựng thành công phần mềm VRoApp. Phần mềm này bao gồm toàn bộ hướng dẫn sử dụng và hệ thống trò chơi được nâng cấp theo từng level giúp học sinh có thể dễ dàng làm quen với lập trình Robot.
2. Tính mới, độc đáo, sáng tạo của ý tưởng/dự án
Điểm khác biệt quan trọng của VROBOT không chỉ là giá thành vô cùng cạnh tranh mà còn là tính linh hoạt, với nhiều cổng kết nối, hỗ trợ việc mở rộng tính năng và tích hợp với thiết bị khác. Đây là dòng thiết bị được hỗ trợ hoàn thiện và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư trong nước, nên phần mềm rất dễ sử dụng, phù hợp với học sinh Việt Nam. Đi kèm với mỗi bộ sản phẩm là các tài liệu hướng dẫn và giáo trình dạy học được biên soạn chi tiết, với các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao phục vụ cho quá trình cả học tập và giảng dạy. Bộ thiết bị VROBOT còn được tích hợp thêm đồng thời 2 chế độ đó là điều khiển bằng giọng nói và điều khiển bằng cử chỉ, từ đó giúp tăng hứng thú cho người dùng. Đây là một tính năng mới, vừa sinh động, trực quan, đồng thời mở ra hướng phát triển nâng cấp cho công nghệ chế tạo robot trong giáo dục.
3. Giá trị, tác động mà ý tưởng/dự án mang lại cho cộng đồng, xã hội
Thông qua nghiên cứu và khảo sát có thể thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm VRobot là rất rộng mở và đầy tiềm năng. Dự kiến trong 3 tháng Quý 1 năm 2025 sẽ làm thử nghiệm 200 sản phẩm đưa ra thị trường, với tổng chi phí trên mỗi sản phẩm là 630.000 đồng, như vậy nguồn vốn tối thiểu cần có là 130 triệu đồng. Dòng vốn này sẽ quay vòng để tiếp tục sản xuất khi bán được hàng. Năm thứ 2 đặt kỳ vọng doanh số tăng trưởng là 400 - 500 sản phẩm trong quý đầu, như vậy dòng vốn tối thiểu cần huy động thêm so với năm đầu khoảng 150 triệu đồng.
Với mong muốn, mọi học sinh sẽ được tiếp xúc với giáo dục STEM ngay trong trường học, nên nhóm dự án đã lên kế hoạch đầu tư, xây dựng phòng Lab cho một số nhà trường. Bước đầu nhận được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu, chúng em cũng đang hợp tác cùng đội ngũ kỹ sư và các thầy cô giáo, thiết kế mô hình phòng chức năng STEM LAB cho trường THCS Ngô Sĩ Liên Hà Nội với số vốn cần kêu gọi thêm từ các nhà đầu tư dự kiến là 150 triệu đồng và kỳ vọng sẽ thu hồi vốn sau 3 - 5 năm triển khai. Đây sẽ là một không gian khoa học, được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc và cơ sở vật chất nhằm giúp tối ưu hóa việc giảng dạy STEM.