Chia sẻ về ý tưởng khi tham dự cuộc thi, Hoài Thương khẳng định chính nhờ thói quen đọc sách mà mình đã nảy ra suy nghĩ ấy và quyết định biến nó thành hiện thực trên xứ sở trà Bảo Lộc. Vốn gắn bó với những đồi chè xanh ngút ngàn, cô bạn trẻ táo bạo chọn dự án “Nuôi heo bằng trà xanh Tea-ton” vốn đã được áp dụng tại một số nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc. Ý tưởng này nếu thành công ở Việt Nam, sẽ giúp người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất trà này.
Cái khó với cô bạn trẻ này là tư liệu tại Việt Nam hầu như không có nên buộc phải tìm đọc và dịch từ Nhật Bản và Hàn Quốc về phương pháp cũng như mô hình của dự án. Thương còn nhờ bạn bên Nhật tìm đến tận trang trại mua và sử dụng thử thịt heo nuôi bằng trà xanh để đánh giá chất lượng thịt từ phương pháp này. Theo ý tưởng của Hoài Thương, heo được nuôi trong các chuồng trại bình thường nhưng theo quy trình sử dụng lá trà xanh trộn chung với thức ăn hoặc nấu nước tắm. Toàn bộ nước uống cũng là trà xanh, theo công thức 2kg lá trà/1.000 ml nước để không quá đặc hoặc quá loãng. Phương pháp này sẽ giảm chi phí nuôi đáng kể, do lá trà sử dụng là những lá già bị loại hoặc người trồng trà không sử dụng tới nên rất rẻ, có khi miễn phí. Heo nuôi bằng trà xanh có da dẻ hồng hào, không bệnh tật, phần mỡ săn lại, thịt ngon và mềm hơn. Đây được coi là thực phẩm sạch nên được người tiêu dùng đánh giá cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cũng trong quá trình nuôi, heo còn được cho nghe nhạc để kích thích tăng trưởng, chuồng trại lắp quạt thông gió để thoáng mát vào ngày hè. Người nuôi có thể sử dụng chất thải làm phân bón cho cây cà phê, trà…
Đây không phải là một ý tưởng quá lạ lẫm, nhưng nhiều người không dám thử thực hiện vì e ngại tính khả thi của nó. Ngay ở trường đại học của mình, khi Hoài Thương nêu dự án này cũng có những người tỏ ý hoài nghi không biết có thể biến nó thành hiện thực hay không. Chẳng ngần ngại hay nản lòng, cô sinh viên trẻ mạnh dạn nộp dự án tham gia cuộc thi do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Không nhằm coi trọng giải thưởng nhưng Thương muốn được đánh giá ý nghĩa kinh tế và xã hội cùng sự khả thi mà ý tưởng này mang lại
Từng là một trong 3 người nhận “sinh viên 5 tốt” của Lâm Đồng, Hoài Thương được nhiều công ty có tiếng mời cộng tác làm việc song cô sinh viên năm cuối này lại từ chối với ý định quay trở về Bảo Lộc bắt tay xây dựng dự án của mình. Dẫu biết còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng Thương luôn có niềm tin vững vàng. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, sẽ có cách vượt qua phải không Chúa ơi. Rồi khó khăn nào cũng sẽ trôi qua. Xin cho con đừng mất niềm tin là được”, Thương vẫn thường cầu nguyện như vậy.
Dự án của Hoài Thương vượt qua 569 bài dự thi trong cả nước và lọt top 60 toàn quốc. Niềm vui tăng lên khi Thương bước vào chung kết và lọt top 15 toàn quốc. Không chỉ vui, cô bạn trẻ còn cảm thấy hãnh diện vì thành quả của mình được đón nhận và có sức thuyết phục. Tuy ý tưởng của Thương không đạt giải trong cuộc thi nhưng được đánh giá có thể thực hiện tại Việt Nam. Hoài Thương đã đạt được mục tiêu của mình, như lời cô sinh viên tâm sự: “Em mong muốn dự án của mình được ban cố vấn cuộc thi góp ý để hoàn thiện hơn, và nó sẽ được công bố rộng rãi hơn để mọi người biết đến. Thông qua cuộc thi, em vững tin rằng dự án này hoàn toàn khả thi, nếu ai có ý muốn hiện thực nó thì em sẵn sàng trợ giúp”.
Không chỉ gương mẫu trong trường, Hoài Thương còn là một giáo lý viên hoạt bát, năng động, hết mình phục vụ tại giáo xứ. Từ khi còn học cấp hai, cô bạn đã từng cùng một vài thành viên trong xứ chung tay gầy dựng nhóm trẻ Tin Yêu Don Bosco, cùng nhau đi thu gom ve chai, bán các món quà nho nhỏ gây quỹ làm bác ái.
Đằng sau nghị lực và bản lĩnh của Hoài Thương luôn là niềm xác tín có bàn tay đỡ nâng từ Thiên Chúa, có gia đình đồng hành và bạn bè khích lệ. Chính những điều này đã giúp cô bạn thêm vững bước trên con đường phía trước, với ước mong được góp sức mình cho quê nhà trong vai trò một Kitô hữu trẻ.