Tài liệu Tham khảo về Hỗ trợ khởi nghiệp dành cho Lãnh đạo các trường Đại học

Thứ hai - 08/06/2020 23:43
1670 lượt xem
Lãnh đạo trường là người đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết trong sự điều hành và phát triển của nhà trường cũng như của sinh viên. Mọi chủ trường mà Ban lãnh đạo nhà trường đưa ra đều là những kim chỉ nam cho những hoạt động của trường nói chung cũng như những chương trình khởi nghiệp của sinh viên nói riêng.

Trong bối cảnh nói riêng Việt Nam và các nước Đông Á nói chung, nơi mà cách tiếp cận phổ biến nhất trong quản trị tổ chức thường là cách tiếp cận từ trên xuống, lãnh đạo trong trường đại học (cụ thể là ban Giám hiệu) đóng vai trò quyết định trong việc các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học. Thông thường ở trường đại học tại Việt Nam, Ban Giám hiệu đóng vai trò quyết định về thể chế, kết nối huy động và nguồn lực, hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Vai trò cụ thể của lãnh đạo các trường đại học được thể hiện như sau:

Ban Giám hiệu là những người lựa chọn cơ quan nắm vai trò đầu mối để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Sự lựa chọn có thể đến từ những đơn vị sẵn có (ví dụ như Phòng Công tác - Chính trị sinh viên, Phòng Khoa học-Công nghệ, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên) hoặc thành lập một đơn vị mới có chuyên trách về hỗ trợ khởi nghiệp. Thiếu đi cơ quan chuyên trách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học sẽ mang tính phong trào và không đi vào thực chất.

Khi đã lựa chọn được đơn vị đầu mối thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường, Ban Giám hiệu cần quyết định cơ chế/thể chế phối hợp giữa đơn vị chuyên trách này và các đơn vị liên quan. Điều này là tối quan trọng bởi để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp trong trường đại học được hiệu quả, cần có sự tham gia và phối hợp của nhiều đơn vị. Thông thường, các đơn vị có liên quan bao gồm:

Phòng Phòng Công tác - Chính trị sinh viên là đơn vị chuyên trách hoạt động hướng đến sinh viên.
Phòng Nghiên cứu khoa học với chức năng chính là thúc đẩy sáng tạo khoa học và thương mại hóa sản phẩm sáng tạo khoa học, nghiên cứu.
Đoàn thanh niên, Hội sinh viên là đơn vị tổ chức các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp (như cuộc thi khởi nghiệp sinh viên) và triển khai phong trào trong cộng đồng sinh viên.

Việc phân công quyền lực trong việc quản lý phụ trách hoạt động khởi nghiệp tùy vào hoàn cảnh và nguồn lực và định hướng chiến lược của từng trường. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, các trường chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và đặt trọng tâm phát triển thương mại hóa công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ của trường, Hiệu trưởng thường phụ trách hoạt động khởi nghiệp. Các trường khởi động hoạt động ươm tạo sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên từ Phòng công tác sinh viên thì có thể bố trí Phó hiệu trưởng phụ trách công tác sinh viên. Các trường xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với các hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa công nghệ, chuyển giao công nghệ thường bố trí Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học dẫn dắt hoạt động này. Một số trường xây dựng hệ sinh thái từ việc triển khai công tác đào tạo về sáng tạo và khởi nghiệp, bao gồm cả các môn học đưa vào chính khóa và môn học ngắn hạn; trường hợp này, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo chủ trì.

Việc điều phối/huy động  các nguồn lực (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất,...) phục vụ cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường cũng cần sự tham gia của Ban Giám hiệu. Cụ thể, việc xây mới hay cải tạo khu làm việc chung, bố trí ngân sách ươm tạo các nhóm kinh doanh, nhóm thương mại hóa công nghệ, bố trí ngân sách để triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo đều cần có Ban Giám hiệu tham gia một cách chủ động và thường xuyên. Việc xây dựng và triển khai nội dung đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bao gồm cả môn học chính khóa hay là các khóa ngắn hạn đều cần vai trò chỉ đạo của Ban Giám hiệu.

Thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp không chỉ là chương trình, là phong trào mà nên trở thành văn hóa trong trường đại học. Vì thế, nếu văn hóa này được lan tỏa từ Ban Giám hiệu đến các cán bộ quản lý, đến các giảng viên, lan tỏa tới cộng đồng sinh viên, nghiên cứu viên thì sẽ có thể mang lại hiệu quả bền vững cho nhà trường.


Chia sẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây