Đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp ở các trường đại học có thể dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau tùy theo thực tế từng đơn vị, có thể là tổ công tác chuyên trách của trường, có thể là bộ phận, chức năng thuộc phòng Công tác chính trị sinh viên, Văn phòng Đoàn Thanh niên, Phòng quản lý khoa học công nghệ hoặc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm quan hệ doanh nghiệp của nhà trường
Để thúc đẩy và phát huy hết vai trò của các nhà trường, các nhà trường cần xây dựng được đơn vị/bộ phận chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học hoạt động bài bản, hiệu quả, phải thực hiện được giúp sinh viên “BIẾT” đến khái niệm khởi nghiệp, “HIỂU” được khởi nghiệp là gì và từ đó có một số lượng sinh viên sẽ “LÀM” khởi nghiệp trong và sau khi tốt nghiệp.
Do đó, trong năm 2019, Đề án 1665 tiếp tục phát triển tài liệu dành cho cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Trong khi “cuốn tài liệu năm 2018 tập trung vào kiến thức hệ sinh thái khởi nghiệp”, thì “cuốn tài liệu năm 2019 tập trung vào vai trò, quy trình và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của đơn vị/bộ phận chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học” với các mục tiêu cơ bản sau đây:
- Làm rõ vai trò và quy trình hỗ trợ khởi nghiệp của đơn vị/bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học.
- Hướng dẫn mô hình vận hành, quy chế hoạt động, cơ sở vật chất của đơn vị/bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học.
- Hướng dẫn cách thức thực hiện các hoạt động chính của đơn vị/bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học ở giai đoạn ban đầu.
- Cung cấp các điển hình về Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của một số trường đại học trong nước.
- Cung cấp mẫu biểu phục vụ công tác tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho đơn vị/bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học.