Doanh nghiệp xã hội, không giống với các doanh nghiệp thông thường, được hình thành với mục đích là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề về xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, do vậy, để thực hiện doanh nghiệp xã hội và đổi mới xã hội cần phải có được một lực lượng doanh nhân xã hội hiểu và được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này, một công việc đòi hỏi phải có thời gian. Trường đại học, nơi cung cấp các nguồn nhân lực đầy tiềm năng sẽ là nơi tốt nhất giúp thực hiện nhiệm vụ này với việc trang bị cho sinh viên kiến thức và hành trang, truyền lửa nhiệt huyết cho việc khởi sự các doanh nghiệp xã hội, một công việc quan trọng để tạo ra lực lượng doanh nhân mới, làm động lực phát triển kinh tế và phục vụ các mục tiêu xã hội, góp phần ổn định và phát huy tài năng trẻ của quốc gia.
Doanh nghiệp xã hội là một mô hình hữu hiệu nhất sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả. Thỏa thuận hợp tác ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ngày hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển DNXH tại Việt Nam sau này.
Thúc đẩy kỹ năng doanh nhân xã hội, đổi mới xã hội và đối thoại trong môi trường đa văn hóa tại 200 trường đại học tại Việt Nam sẽ là hành trang cho các em sinh viên trong tương lai, giúp các em nắm bắt được các cơ hội việc làm tốt hơn, đặc biệt khi các em có mong muốn tự khởi nghiệp. Thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Anh sẽ nhằm:
- Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội và đổi mới xã hội thông qua các hội thảo, diễn đàn, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho học sinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên trong các trường đại học tại Việt Nam.
- Nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho ít nhất 30% sinh viên các trường đại học;
- Hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về doanh nhân xã hội, sáng tạo xã hội và lãnh đạo cộng đồng cho 200 giảng viên giúp họ triển khai thành công các hoạt động lan tỏa tại trường;
- Tổ chức thực hiện các phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn với các kỹ năng và phát triển doanh nghiệp;
- Khởi động và duy trì một mạng lưới các nhà giáo dục xã hội và các nhà nghiên cứu.
Tại lễ ký kết, ngài Ed Vaizey – Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực DNXH. Thông qua Hội đồng Anh tại Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, thỏa thuận hợp tác ngày hôm nay sẽ giúp tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai quốc gia, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam nói chung và lĩnh vực phát triển DNXH nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam."
Với tầm quan trọng của giáo dục như là một nhân tố phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội cũng như là một biện pháp nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của Vương quốc Anh và Hội đồng Anh tại Việt Nam. Cả hai bên tin tưởng rằng việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ có lợi cho cả hai quốc gia. Mục đích của biên bản hợp tác ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Hội đồng Anh tại Việt Nam là nhằm tăng cường hợp tác trong giáo dục đào tạo và đóng góp vào sự phát triển giáo dục ở Việt Nam qua việc trao đổi kinh nghiệm và hợp tác ở những lĩnh vực ưu tiên mang tính chiến lược.
Được biết, Hội đồng Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2018 là mốc đánh dấu 25 năm hoạt động của tổ chức này tại Việt Nam với chuỗi sự kiện kỷ niệm quan hệ và trao đổi văn hóa giữa Vương quốc Anh và Việt Nam./.