SWIS-2018 có đối tượng tham gia gồm: học sinh, sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và học sinh đang học tại các trường THPT trên toàn quốc; các cá nhân hoặc nhóm học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo đăng ký dự thi theo đơn vị trường; các cá nhân hoặc nhóm học sinh THPT đăng ký dự thi theo đơn vị Sở GD&ĐT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh việc quy định cụ thể về bài dự thi, thể lệ cuộc thi cũng quy định rõ, SWIS-2018 gồm có 3 vòng: vòng thi cơ sở, vòng thi toàn quốc và vòng thi chung kết.
Ở vòng thi cơ sở, với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến thể lệ cuộc thi đến học sinh, sinh viên trong toàn trường; hướng dẫn học sinh, sinh viên trình bày và lập bản thuyết minh dự án theo quy định tại mục III của thể lệ; tổ chức cuộc thi tại trường và lựa chọn mỗi trường 2 dự án dự vòng thi toàn quốc.
Với các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, các Sở phổ biến thể lệ cuộc thi đến học sinh THPT trong toàn tỉnh, khuyến khích các học sinh có dự án khả thi trình bày và lập bản thuyết minh dự án theo quy định tại mục III của thể lệ; tổ chức lựa chọn 1 dự án tham dự vòng thi toàn quốc. Thời hạn Bộ GD&ĐT nhận hồ sơ dự thi từ các trường, các Sở GD&ĐT là trước 17h00 ngày 10/11/2018.
Ở vòng thi toàn quốc, sau khi nhận được hồ sơ và bài dự thi của các trường, Sở GD&ĐT, từ ngày 15 – 30/11/2018, Ban cố vấn, Ban giám khảo (BGK) chấm và lựa chọn 10 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và 5 ý tưởng, dự án của học sinh THPT có tính khả thi cao nhất vào vòng thi chung kết. Danh sách các dự án được chọn vào vòng chung kết cuộc thi sẽ được Ban tổ chức công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT trước ngày 3/12/2018.
Trong vòng chung kết dự kiến tổ chức tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 diễn ra vào ngày 15-16/12/2018, BGK sẽ xem xét, đánh giá bài thuyết trình và khả năng trả lời câu hỏi của đại diện đội dự thi. Kết quả điểm số cuối cùng của đội dự thi là điểm số trung bình của các thành viên trong BGK và điểm số trung bình của đại diện các doanh nghiệp được mời tham dự đánh giá.
Đáng chú ý, về giải thưởng cuộc thi SWIS-2018, các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm có dự án tham dự cuộc thi đoạt giải Nhất sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, không gian chung (Co-Working Space) trong các nhà trường.
Về giải cá nhân, Ban tổ chức dự kiến sẽ chọn, trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 4 giải Ba. Trong đó, cơ cấu giải thưởng cho các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo gồm 1 giải Nhất (Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; tiền thưởng 100 triệu đồng, được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư); 2 giải Nhì (mỗi giải là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tiền thưởng 70 triệu đồng); 3 giải Ba (mỗi giải gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tiền thưởng 50 triệu đồng).
Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THPT, 3 giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được trao, theo đó, ngoài Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các dự án đạt giải còn nhận được tiền thưởng có giá trị lần lượt là 50 triệu đồng, 30 triệu đồng và 15 triệu đồng.
Ngoài ra, tất cả các dự án khởi nghiệp đoạt giải tại cuộc thi được công nhận bản quyền thuộc về nhóm tác giả đăng ký tham dự cuộc thi.