Hội thảo, Tập huấn "Triển Khai Công Tác Xã Hội Trong Trường Học và Các Hoạt Động Tư Vấn, Hỗ Trợ Học Sinh"
Thứ tư - 22/04/2020 01:12
1643 lượt xem
Chuỗi Hội thảo, Tập huấn “Triển Khai Công Tác Xã Hội Trong Trường Học và Các Hoạt Động Tư Vấn Hỗ Trợ Học Sinh” tại Quảng Ninh, Huế và Cần Thơ
Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh cùng 02 đơn vị đồng hành là JA Vietnam và NovaEdu tổ chức chuỗi Hội thảo, Tập huấn “Triển Khai Công Tác Xã Hội Trong Trường Học và Các Hoạt Động Tư Vấn Hỗ Trợ Học Sinh” tại Quảng Ninh, Huế và Cần Thơ. Đây là chuỗi hội thảo dành cho các đại diện và lãnh đạo của các tỉnh, sở và trường học của 63 tỉnh trên toàn quốc.
Đây là công tác được thực hiện nhằm hỗ trợ triển khai Đề án 1665 - “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30/10/2017. Các đại biểu chính tham gia phát biểu và diễn thuyết thuyết gồm có: 1. Ông Bùi Tiến Dũng - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục, Chính trị và Công tác HSSV 2. TS. Nguyễn Hiệp Thương & TS. Phạm Văn Tư - Khoa Công tác Xã hội trường Đại Học Sư Phạm HN 3. Bà Đoàn Bích Ngọc – CEO JA Việt Nam. 4. Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám Đốc NovaEdu.
Bên cạnh đó, trong mỗi buổi hội thảo còn có sự xuất hiện đặc biệt của các đại biểu như: 1. Ông Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng Vụ GDHSSV (Hội thảo tại Quảng Ninh và Huế) 2. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Thành phố Hạ Long (Hội thảo tại Quảng Ninh) 3. Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) (Hội thảo tại Cần Thơ)
Với mục tiêu giúp cho đại biểu các sở Giáo dục và Đào tạo hiểu về các hoạt động hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, phát biểu trong chuỗi hội thảo ông Bùi Tiến Dũng đã nhấn mạnh vào mục tiêu của Đề án 1665 cũng như tầm quan trọng của giáo dục khởi nghiệp. Ông cho biết: “Chúng ta cần phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp”.
Cũng ngay trong chuỗi sự kiện này, đại diện của JA Vietnam - bà Đoàn Bích Ngọc và đại diện của NovaEdu - ông Đỗ Mạnh Hùng đã có phần chia sẻ về những giá trị mà khởi nghiệp mang lại đối với học sinh, nhà trường và toàn xã hội cũng như đi sâu vào phân tích việc tại sao cần đẩy mạnh khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông và cách nhà trường có thể làm để hỗ trợ học sinh trong hoạt động khởi nghiệp.
Bà Đoàn Bích Ngọc cho biết: “Để hoạt động hỗ trợ học sinh khởi nghiệp đạt được kết quả. Tại mỗi sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi nhà trường cần tổ chức những hoạt động thúc đẩy và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Vai trò của các Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường là rất quan trọng. Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối với các doanh nghiệp sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn cho các dự án khởi nghiệp của học sinh có thể thực thi và phát triển”.
Cuối mội buổi Hội thảo, Tập huấn là phần hỏi đáp của các đại biểu với các diễn giả xoay quanh vấn đề khởi nghiệp ở trung học phổ thông và các hoạt động hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, đưa ra những câu trả lời và giải pháp thỏa đáng nhất cho những thắc mắc và khó khăn mà các lãnh đạo tỉnh, sở và các trường có thể gặp phải.
Thầy Hà Trí Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang - Một cán bộ tham gia buổi Hội thảo, Tập huấn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi hội thảo về chủ đề khởi nghiệp. Theo tôi, buổi hội thảo này rất bổ ích và thiết thực, góp phần giúp đội ngũ cán bộ quản lí chúng tôi có một cái nhìn sâu sắc và rõ ràng hơn về khởi nghiệp. Từ đó, chúng tôi sẽ có hướng chỉ đạo tốt hơn trong công tác giáo dục cũng như sau này định hình hướng phát triển cho học sinh.”