Từ bình xịt đến máy đa năng
Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời của thầy giáo Trần Trung Hiếu có ưu điểm sử dụng đơn giản, trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng 4-6kg, phun sương mạnh phù hợp áp dụng cho cây lúa và hoa màu. Đồng thời tiết kiệm điện năng và hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường.
Với nguyên lý hoạt động nạp năng lượng mặt trời vào hệ thống tích điện và tự động ngắt khi nạp đầy, bình xịt có thể hoạt động cả ngày khi sử dụng phun thuốc trên rau màu.“Thí điểm trên diện tích 3 công đất trồng cam của gia đình, bình xịt năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn so với khi sử dụng máy bán trên thị trường từ 40-50%. Nếu trước đây, mỗi lần phun thuốc phải dùng 15 bình thì nay giảm xuống còn 7 bình, hiệu quả không thay đổi”, Hiếu cho biết.
Mặc dù bình xịt đã đạt hiệu quả và được chứng minh qua thực tế sử dụng, có hàng chục hộ nông dân tới đặt hàng, nhưng Hiếu vẫn chưa hài lòng.Nhận thấy bình xịt chỉ hiệu quả trên diện tích canh tác vừa và nhỏ, cậu tiếp tục bắt tay nghiên cứu chế tạo chiếc máy nông cụ nhiều chức năng, đạt năng suất lao động cao hơn, bảo vệ sức khoẻ cho nông dân sử dụng. Năm 2017, Hiếu cho ra đời chiếc máy đa năng có thể xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân,… đồng thời vẫn giữ các ưu điểm thời gian sử dụng dài, tiết kiệm lượng thuốc cần phun xịt.
Xe có chiều dài 2m, ngang 1,5m và cao 1,5m với các bộ phận: Pin năng lượng mặt trời, hệ thống sạc, hệ thống bơm áp lực, hộp điều khiển... Hiếu cho biết, sử dụng máy sẽ giảm nhân công lao động, giảm lượng thuốc phun thừa, không gây ảnh hưởng sức khỏe con người và giảm chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Mỗi ngày xe có thể làm việc trên dưới 200 công ruộng. Sản phẩm sáng tạo này của Hiếu đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2017.
“Hiện tôi đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến chiếc máy nông nghiệp đa năng này hoạt động bằng cách điều khiển từ xa thông qua điện thoại di động thay cho việc người trực tiếp điều khiển máy trên đồng. Demo chiếc máy đã có, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thiện”, Hiếu tiết lộ.
Cùng học trò sáng tạo
Trần Trung Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp đông anh em ở ấp Hoà Lợi 2, xã Vĩnh Lợi (huyện Châu Thành, An Giang). Ngoài những buổi đến trường, cậu còn giúp đỡ cha mẹ làm ruộng vườn nên thấu hiểu cảnh vất vả của người làm nông. “Hình ảnh người cha ngày càng có tuổi phải căng mình làm 3 công cam và 60 công ruộng với hàng đống máy móc cồng kềnh đã thôi thúc tôi tìm tòi, sáng chế máy móc để hỗ trợ cho cha”, Hiếu chia sẻ.
Hiếu cho biết thêm, ý tưởng bình xịt năng lượng mặt trời hình thành từ hè năm 2015 và mất 4 tháng sau để ra mắt sản phẩm đầu tiên. Giờ đây, cậu đang có ý định chế tạo chiếc máy cho tôm, cá ăn.
Không chỉ tự mày mò nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình, Hiếu còn hỗ trợ về kỹ thuật, kiến thức cho nhiều học trò tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho đối tượng thiếu niên nhi đồng. Với sự hỗ trợ của thầy Hiếu, sản phẩm Hệ thống chăm sóc cây thông minh của học trò đã đạt giải Ba cấp tỉnh, giải Khuyến khích cấp quốc gia. Hiếu đang hướng dẫn học trò sáng tạo máy dẫn dụ côn trùng nhằm góp phần hạn chế thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa.
Còn sản phẩm của thầy Hiếu mới đây lọt vào TOP 10 Chung kết Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn lần thứ I, do T.Ư Đoàn tổ chức.