Trí và Đức là đôi bạn thân, bắt đầu lên ý tưởng thực hiện Rebo vào tháng 1/2019 khi còn là học sinh trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Thời điểm đó, đôi bạn chuẩn bị thi học kỳ I lớp 12. Thấy nhiều bạn không quan tâm đến những môn phụ và sách giáo khoa các môn này có phần khô khan, nhiều lý thuyết, hai em muốn tạo ra công cụ để học sinh yêu thích và hứng thú học tập hơn.
Lý giải việc chọn Sinh học 10 là môn đầu tiên biên soạn bằng công nghệ thực tế ảo, Trí chia sẻ hai lý do. Thứ nhất là muốn học sinh hứng thú học tập ngay từ lớp 10 để tạo ra nền tảng cho những lớp sau. Thứ hai Sinh 10 có nhiều nguồn hình ảnh để nghiên cứu và tạo ra nhiều mô hình 3D thú vị.
Tự nhận ý tưởng có phần "điên rồ", Trí kể: "Trong thời gian tự mày mò và làm sản phẩm, chúng em vừa phải ôn thi học kỳ, vừa phải chuẩn bị thi đại học, vậy mà lại đi mua sách giáo khoa lớp 10 để đọc và nghiên cứu, chẳng giống ai cả".
Hai học sinh thực hiện ngay tháng 1/2019, hoàn thành ba chương đầu của sách sau hai tháng. Sinh học 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo được biên soạn theo chuẩn kiến thức sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày sinh động bằng đồ họa, sơ đồ tư duy, phương pháp ghi chú sketchnote với màu sắc bắt mắt.
Khi mới hoàn thiện, sách của Trí và Đức phải sử dụng các thẻ bài đi kèm. Mỗi chương có 10 thẻ với màu sắc tương ứng với bài học, có chức năng hiển thị hình ảnh 3D khi sử dụng ứng dựng Rebo trên điện thoại. Trí lấy ví dụ, nếu học đến phần tế bào, học sinh sẽ quan sát được hình ảnh 3D về nhân, cấu trúc tế bào trên màn hình điện thoại để quan sát chi tiết và trực quan.
Để cân bằng giữa làm dự án và ôn thi đại học, mỗi buổi tối hai nam sinh dành một nửa thời gian ôn thi, sau đó tiếp tục nghiên cứu. Vì sợ bố mẹ lo lắng, cả hai âm thầm thực hiện. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, đôi bạn cùng đi ăn để bình tĩnh và thống nhất quan điểm.
Giải thưởng đầu tiên Trí và Đức giành được cùng Rebo là giải nhất cuộc thi Tin học trẻ 2019 cấp thành phố. Với danh hiệu này, nhiều học sinh biết đến dự án, tìm gặp Trí và Đức để mượn sản phẩm về dùng thử. Tuy nhiên vì bận ôn thi đại học, đôi bạn chưa hoàn thiện được dự án để công bố ở quy mô rộng hơn.
Tháng 8/2019, khi Đức sang Canada du học cũng là lúc dự án Rebo chững lại. Trí thừa nhận đó là khoảng thời gian muốn bỏ cuộc nhất vì thiếu đi người bạn đồng hành và cảm thấy sản phẩm không đủ sáng tạo.
"Nếu chỉ bám theo nội dung sách giáo khoa cùng bộ thực hành lỉnh kỉnh kèm theo, sản phẩm của bọn em chỉ dừng ở mức sách tham khảo vốn có rất nhiều trên thị trường. Em và Đức cần tìm ra hướng phát triển mới để Rebo trở nên khác biệt nhưng vẫn giữ mục đích là góp phần thay đổi phương pháp dạy và học trong xu hướng công nghệ 4.0", Trí chia sẻ.
Đôi bạn lên kế hoạch, thảo luận qua điện thoại nhiều lần trước khi đi đến quyết định xây dựng Rebo tập trung trên nền tảng công nghệ, phù hợp với xu thế thời đại. Khi chốt được hướng đi, Đức và Trí xây dựng Rebo bằng cách "đứa này ngủ thì đứa kia làm vì lệch múi giờ".
Sau quá trình cải tiến, hai nam sinh đã nâng cấp Rebo bằng việc tạo ra một ứng dụng trên nền tảng công nghệ, loại bỏ công cụ lỉnh kỉnh đi kèm. Trong giờ học, nếu được sự cho phép của giáo viên, học sinh có thể sử dụng điện thoại, truy cập ứng dụng để xuất hiện hình ảnh 3D của bài học. Hình ảnh này có thể xem trực tiếp trên điện thoại hoặc kết nối với slide trình chiếu.
Về quy trình làm việc, Đức đảm nhận việc thiết kế mô hình 3D. Em phải đọc, hiểu rõ nội dung, cấu trúc của bài học và cấu tạo của các bộ phận. Sau khi Đức hoàn thành phần việc của mình, Trí sẽ mã hóa và đưa hình ảnh 3D vào ứng dụng. Kiến thức có được về thiết kế 3D, xây dựng nội dung, lập trình, định hướng - khảo sát thị trường... đều do đôi bạn tự học, tìm hiểu trên mạng và học hỏi từ các anh chị có chuyên môn.
Trí chia sẻ, chi phí để làm ra một quyển sách ứng dụng công nghệ thực tế ảo không nhiều, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, cả hai mất nhiều thời gian nghiên cứu, lập trình để tạo ra hình ảnh 3D ưng ý, phần mềm chạy trơn tru nên sản phẩm có thể gọi "của một đồng, công một nén".
Hiện tại, sản phẩm Rebo của hai nam sinh được hơn 200 giáo viên, học sinh của trường THPT Phan Chu Trinh và THPT FPT (Đà Nẵng) sử dụng, nhận được phản hồi tích cực.
Tháng 3 tới, sau khi hoàn thành ứng dụng, website, hoàn thiện nền tảng công nghệ, đôi bạn sẽ huy động vốn từ các nhà đầu tư, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào trường học và khởi nghiệp. Trí và Đức sẽ phát hành ứng dụng, cho người dùng trải nghiệm thử 1-2 tháng sau đó thu phí. "Bọn em chưa chốt mức phí nhưng chắc chắn không quá 40.000 đồng một tháng", Trí nói.
Sau môn Sinh học, hai nam sinh dự định tìm thêm cộng sự ứng dụng công nghệ thực tế ảo để biên soạn sách Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý...
Nguyễn Đăng An, sáng lập dự án Shub Classroom, đã có cơ hội gặp Trí và biết đến sản phẩm Rebo tại chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2019. Đăng An ấn tượng vì sự nhạy bén, khả năng nắm bắt xu thế của Trí và Đức.
"Thực tế ảo là một trong những công nghệ mới, sinh viên đại học nhiều người chỉ biết tới chứ chưa làm được. Thời điểm bắt đầu thực hiện, Đức và Trí mới học lớp 12 nên mình đánh giá rất cao hai bạn ấy", Đăng An nói và cho rằng nếu được hoàn thiện chỉn chu và xây dựng được nền tảng công nghệ vững chắc, Rebo hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào môi trường học đường.