Ý tưởng khởi nghiệp "Trợ lý ảo chống quấy rối tình dục nơi công cộng"

Thứ ba - 21/04/2020 03:05
1494 lượt xem
Bắt nguồn từ đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn một xã hội an toàn, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng phần mềm cảnh báo, phát hiện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng.
Ý tưởng khởi nghiệp "Trợ lý ảo chống quấy rối tình dục nơi công cộng"
Trước hàng loạt vụ quấy rối t.ình d.ục tại nơi công cộng mà nhiều nạn nhân là trẻ em gái, nhóm sinh viên lớp kỹ sư tài năng công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, gồm: Phạm Hoàng Hải, Trần Thanh Hà, Nguyễn Bảo Sinh, Vũ Văn Long và Lê Thị Thu Hằng đã thành lập nhóm Antimatlab và triển khai dự án ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hay còn gọi là “trợ lý ảo”, hỗ trợ phát hiện và can thiệp các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng.

Theo trưởng nhóm Phạm Hoàng Hải, nghiên cứu của United Nations Women (Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc), VN là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối nơi công cộng cao nhất khu vực, khi hơn 55% phụ nữ từng phải trải qua vấn nạn này khi sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nơi công cộng. Tuy nhiên, chỉ 20% trong số này dám thông báo với cơ quan chức năng.

“Chúng tôi nhận thấy cần một giải pháp thực sự cho vấn đề này, vì an toàn cho phụ nữ nói riêng và cho xã hội nói chung. Antimatlab mong muốn có thể ứng dụng công nghệ vào nhận diện và can thiệp quấy rối tình dục với mong muốn ngăn chặn mọi chuyện, đừng để nó xảy xa”, Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, khi thực hiện đề tài thì khó khăn lớn nhất của nhóm là vấn đề tìm hiểu thực trạng từ thực tế. Lê Thu Hằng, thành viên trong nhóm, bộc bạch: “Bọn mình phải tìm hiểu, khảo sát, xin tư vấn về khái niệm những hành vi quấy rối tình dục. May mắn là sau quá trình tìm hiểu và tổng hợp, nhóm đã thu thập được những dữ liệu vốn nhạy cảm và ít công khai trên internet”.

Dù đã rất cố gắng nhưng dữ liệu video về vấn đề này vẫn không đủ nhiều và đầy đủ để huấn luyện cho mô hình, cuối cùng nhóm phải giả định, mô phỏng lại từng hành vi và đánh nhãn cho từng khung hình của các video. Trải qua nhiều thí nghiệm, nhóm đã cài đặt dữ liệu phân biệt hành vi quấy rối so với các hành vi khác và cài ứng dụng AI lên các camera thông thường nhằm có thể đem lại một giải pháp tiện lợi, với giá thành rẻ, áp dụng được ở nhiều nơi mà vẫn đem lại hiệu quả cao trong việc giảm thiểu tình trạng quấy rối.

Phạm Hoàng Hải cho biết: “Phần mềm có thể phát hiện hành vi quấy rối tình dục theo thời gian thực bằng cách phân tích các khung hình liên tiếp của video gửi về. Dựa trên các ngưỡng được thiết lập, khi các hành vi đánh giá vượt quá các ngưỡng, trợ lý ảo đưa ra thông báo bằng màu sắc trên màn hình quan sát; đồng thời tự động can thiệp theo các cấp độ như: phát thông báo, mở cửa sớm thang máy, rú còi, giải cứu... Ngoài ghi nhận và báo động, ứng dụng còn lưu lịch sử các cảnh báo vào cơ sở dữ liệu để hỗ trợ các bộ phận chức năng có thể truy tìm nhanh chứng cứ xử lý vụ việc”.

Qua thử nghiệm, kết quả nhận dạng của phần mềm đúng đến 86,5%. Tốc độ xử lý và truyền thông tin đến bộ phận an ninh chỉ trong 0,17 giây. Phần mềm có thể cài đặt tại các máy tính trung tâm của tòa nhà, khu chung cư, các điểm công cộng... cho phép phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối ở những khu vực như thang máy, hành lang, ngõ hẻm.

Ứng dụng đã lọt vào chung kết cuộc thi Vietnam AI grand challenge 2019 (VAGC) trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo VN AI4VN cuối tháng 8, do Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức.

Lê Thị Thu Hằng cho hay: “Sản phẩm của chúng tôi đang được các đối tác dùng thử. Mong muốn của nhóm là có thể xây dựng một hệ thống cảnh báo hoàn thiện nhất để đưa vào ứng dụng thực tế; đồng thời xây dựng, phát triển các tính năng cảnh báo về bạo lực, trộm cắp trong các tòa nhà”.
Chia sẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây